Thông tin đối ngoại

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 31/8-4/9
Ngày đăng 07/09/2020 | 09:34  | View count: 36884

Chỉ thị triển khai biện pháp cấp bách chủ động ứng phó thiên tai; định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 31/8-4/9/2020.

Thủ tướng chỉ thị triển khai biện pháp cấp bách chủ động ứng phó thiên tai
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 35/CT-TTg về triển khai một số biện pháp cấp bách để chủ động ứng phó thiên tai.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm "bốn tại chỗ"; rà soát, cập nhật kịch bản để chủ động ứng phó với tình huống thiên tai nguy hiểm như mưa, lũ lớn diện rộng, bão muộn, lũ quét, sạt lở đất.

Bên cạnh đó, chỉ đạo tổng kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời bảo đảm an toàn khi có thiên tai; kiểm tra công trình đê điều, hồ đập trên địa bàn, phương án, nguồn lực bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập trước tình huống xảy ra mưa lũ lớn, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng…

Định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia
Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghệ chế tạo đạt trên 20%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm. Chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%. Xây dựng một số doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Đối tượng, điều kiện mua hàng miễn thuế
Nghị định số 100/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh hàng miễn thuế đã quy định cụ thể về đối tượng và điều kiện mua hàng miễn thuế.
Theo đó, người xuất cảnh, quá cảnh sau khi hoàn thành thủ tục xuất cảnh, quá cảnh, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam hoặc người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế.

Hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam được mua hàng miễn thuế trên tàu bay xuất cảnh. Hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam được mua hàng miễn thuế trên tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam…

Tiêu chí thành lập chi cục
Chính phủ ban hành Nghị định 101/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ.

Trong đó, Nghị định bổ sung quy định tiêu chí thành lập chi cục và tương đương, số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục.

Cụ thể, chi cục thuộc cục thuộc bộ được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

1- Có đối tượng quản lý về chuyên ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của cục theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2- Được phân cấp, ủy quyền của Cục trưởng để quyết định về các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Cục trưởng.

3- Khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 15 biên chế công chức trở lên.

Về số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục thuộc cục thuộc bộ, chi cục có từ 1-3 phòng được bố trí 1 cấp phó; có từ 4 phòng trở lên được bố trí không quá 2 cấp phó; chi cục không có phòng được bố trí không quá 2 cấp phó.

Quy định quản lý gỗ nhập khẩu, xuất khẩu
Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam.

Nghị định quy định, gỗ xuất - nhập khẩu phải đảm bảo hợp pháp, được làm thủ tục xuất - nhập khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật về Hải quan.

Nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm tổ chức, sắp xếp hợp lý mạng lưới các cơ quan báo chí, thông tin điện tử, xuất bản, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại chú trọng hiệu quả hoạt động, đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, ứng dụng công nghệ mới, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, phát triển nguồn nhân lực. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhu cầu thông tin của người dân, bảo đảm an ninh quốc phòng, đồng thời theo kịp khả năng và trình độ phát triển thông tin của các nước trong khu vực và quốc tế.

Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025.

Đề án được triển khai tại tất cả các địa phương trong cả nước với mục tiêu chung nhằm phát huy hiệu quả mô hình câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau nhằm duy trì và tiếp tục nhân rộng câu lạc bộ, huy động sự tham gia của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi, các cấp các ngành và cộng đồng để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi; chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ quyền lợi người cao tuổi.

Sửa đổi tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư
Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ngày 31/8/2018 quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Cụ thể, về tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi tiêu chuẩn thứ 8 về bài báo khoa học.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu chung của Chương trình nhằm hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (năng suất chất lượng) trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Phê duyệt Đề án phát triển ngành muối
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đến năm 2025 tổng diện tích sản xuất muối duy trì 14.500 ha, sản lượng đạt 1.500.000 tấn/năm; đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất muối; máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến muối gắn với thị trường. Phát triển sản xuất các loại muối đáp ứng nhu cầu trong nước, chú trọng hỗ trợ đồng bộ phát triển sản xuất muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng NaCl thấp, có lợi cho sức khỏe.

Đến năm 2030, tổng diện tích sản xuất muối 14.244 ha, sản lượng đạt 2 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước.

Dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh

Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo 313/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều ngày 27/8/2020.

Thông báo nêu rõ, trong thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và sẽ tiếp tục có các ca mắc trong cộng đồng. Các ngành, các cấp phải tiếp tục đề cao cảnh giác, không chủ quan, coi thường dịch bệnh, xác định chống dịch trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh.

Trong đó, tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái "bình thường mới" như: đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc…

Theo chinhphu.vn