Thông tin đối ngoại
Đây là sáng thứ 3 liên tiếp, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mới mắc COVID-19. Trong số 150 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị có 34 ca âm tính lần 1 và 24 ca âm tính lần 2.
Theo Bộ Y tế, tính đến 6h ngày 7/4, Việt Nam có 245 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 153 người từ nước ngoài chiếm 62,4%; 92 người lây nhiễm thứ phát trong đó 62 người thuộc ổ dịch nội địa.
Đã có 95 trường hợp được công bố khỏi bệnh. Trong số 150 bệnh nhân đang điều trị có 34 ca âm tính lần 1 và 24 ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2.
Tổng số trường hợp nghi ngờ đang theo dõi, cách ly là 85.295. Trong đó, 1.248 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 46.503 người cách ly tại nhà/nơi lưu trú và 37.544 người cách ly tập trung tại các cơ sở khác.
Trong 3 bệnh nhân nặng, 2 ca đang thở máy, lọc máu là BN19 và BN161 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (BN19 đã có tiến triển, kết thúc ECMO lúc 12h20 ngày 4/4). BN91 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh chuyển từ thở máy không xâm nhập sang thở máy xâm nhập và ECMO.
Đo thân nhiệt cho bệnh nhân đến chạy thận tại Bệnh viện Bạch Mai. |
Về điều trị, Bộ Y tế khuyến cáo các cơ sở y tế trên toàn quốc nâng cấp mức độ phòng, chống bệnh dịch ngay từ cửa ra vào. Các bệnh nhân đến khám sẽ được coi như bệnh nhân nghi lây nhiễm COVID-19 và được phân luồng điều tra dịch tễ và xét nghiệm; khuyến cáo người dân ngoại trừ những trường hợp cấp cứu còn lại tái khám và khám bệnh thông thường nên sử dụng các dịch vụ hệ thống y tế cơ sở. Đặc biệt, khi đến thăm khám nên đặt lịch hẹn để thực hiện đúng tinh thần giãn cách xã hội của Thủ tướng và đảm bảo an toàn cho người dân khi khám bệnh.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương thành lập các tổ chủ động thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng", theo phương châm phát hiện và cách ly. Duy trì tổ mỗi tổ tối thiểu 2 người, thành phần gồm công an (cảnh sát khu vực) và y tế cơ sở, đại diện của Mặt trận Tổ quốc, bí thư tổ chức Đảng, trưởng thôn khu phố.
Mỗi tổ có nhiệm vụ lập danh sách theo dõi, sàng lọc chặt chẽ những ai có biểu hiện sốt ho khó thở đặc biệt là những người đi về từ vùng dịch, những người đến các cơ sở y tế, những người đang lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ; những đối tượng lang thang ngoài xã hội (nghiện ma túy; có tệ nạn xã hội) và báo ngay cho y tế cơ sở để kịp thời xử lý y tế.
Về hậu cần, Bộ Y tế đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế và thuốc trong trường hợp dịch xảy ra theo chiều hướng xấu hơn, đủ hậu cần cung cấp cho hàng chục ngàn bệnh nhân; sản xuất được khẩu trang và đồ chống dịch từ nguyên liệu trong nước. Đối với máy thở, Bộ Y tế phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sản xuất máy thở xâm nhập và không xâm nhập để thay thế những máy thở ngoại nhập.../.
Theo dangcongsan.vn