Thông tin đối ngoại
Chính phủ Anh thông báo, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của Liên hợp quốc (LHQ) về Biến đổi Khí hậu (COP26) dự kiến diễn ra từ ngày 9 - 19/11 tại thành phố Glasgow, Scotland sẽ bị hoãn do đại dịch viêm đương hô hấp cấp COVID-19.
Hội nghị thượng đỉnh COP26 về biến đổi khí hậu sẽ được hoãn sang năm 2021 do đại dịch COVID-19. (Ảnh: Sky News) |
Trong một công bố, Chính phủ Anh cho biết: "Do những ảnh hưởng tiếp tục của dịch COVID-19 khắp thế giới, việc tổ chức hội nghị COP26 mang nhiều tham vọng vào tháng 11/2020 đã không còn khả thi". "Hội nghị sẽ được lùi sang năm 2021 và ngày dự kiến sẽ được công bố sau". Công bố cũng nhấn mạnh, quyết định trên được các bên tham gia Công ước khung LHQ về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) đưa ra cùng với Anh và đối tác Italy.
Dẫn lời Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết, các cuộc đàm phán bị hoãn lại vì các quốc gia cần tập trung ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ông Sharma cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với "một thách thức toàn cầu chưa từng có" và các quốc gia "đang tập trung mọi nguồn lực cho cuộc chiến chống lại đại dịch này". Vì vậy, "đó là lý do chúng tôi quyết định hoãn lại hội nghị COP26", ông cho hay.
Theo kế hoạch ban đầu, khoảng 30.000 đại biểu, bao gồm 200 nhà lãnh đạo thế giới, các chuyên gia và các nhà vận động về biến đổi khí hậu sẽ cùng tham gia hội nghị kéo dài 10 ngày này để có các cuộc thảo luận quan trọng nhằm ngăn chặn sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Trong tuyên bố tương tự, Thư ký điều hành của UNFCCC, bà Patricia Espinosa cũng cảnh báo COVID-19 là mối đe dọa khẩn cấp nhất đối với nhân loại hiện nay. "Tuy nhiên chúng ta không nên quên rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với nhân loại trong tương lai. Chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ và kêu gọi các quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ các tham vọng về biến đổi khí hậu theo Thỏa thuận Paris", bà cho hay.
Trước đó, tại một diễn biến liên quan, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 1/4 cũng cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) là "cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng nhất", và nhiều thách thức nhất mà thế giới phải đối mặt kể từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II, đồng thời nhấn mạnh virus gây chết người SARS-CoV-2 đang "tấn công vào cốt lõi của xã hội".
Đây là thông điệp do ông Antonio Guterres đưa ra trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 31/3 nhằm công bố bản báo cáo của Liên hợp quốc có tựa đề: "Chia sẻ trách nhiệm, đoàn kết toàn cầu: Ứng phó với các tác động kinh tế-xã hội do COVID-19 gây ra".
Tổng thư ký LHQ cho rằng: "Mức độ ứng phó phải phù hợp với quy mô của cuộc khủng hoảng. Đối vơi cuộc khủng hoảng có quy mô lớn, cần phải đưa ra phản ứng mang tính kết hợp và toàn diện, cùng với đó là các phản ứng mang tính quốc tế và quốc gia tuân thủ theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ngày 1/4, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, số người tử vong do COVID-19 đã tăng gấp đôi trong vài tuần qua và sẽ nhanh chóng đạt mức 50.000 người trên toàn thế giới, trong khi đó, số ca lây nhiễm đang tiến dần tới mốc 1 triệu người.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, số ca lây nhiễm đang "gia tăng theo cấp số nhân" trong vòng 5 tuần qua, ảnh hưởng trực tiếp tới từng quốc gia, lãnh thổ và các khu vực khác trên thế giới. Mặc dù châu Phi, Trung Mỹ và Nam Mỹ là những khu vực ít bị chịu ảnh hưởng hơn, tuy nhiên ông Tedros cũng cảnh báo rằng dịch bệnh có thể gây ra "những hệ quả nặng nề về cả chính trị, xã hội cũng như kinh tế" tại các khu vực này.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng 2/4, dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra hiện nay đã lan sang 203 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 930.000 ca nhiễm, trong đó hơn 46.500 người tử vong.
Trong vòng 24h qua, thế giới đã có thêm 70. 246 người mắc bệnh và 4.215 người tử vong. Đã có 193.736 ca phục hồi, 6.88.312 ca phục hồi tốt và 35.023 ca trong tình trạng nguy kịch. Mỹ, Italy và Tây Ban Nha tiếp tục là các điểm dịch "nóng" nhất toàn cầu về đại dịch.
* Mỹ: Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã ghi nhận đã có 211.408 và 4.718 ca tử vong do COVID-19. Như vậy, Mỹ đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có số ca mắc COVID-19 vượt quá mốc 210.000 người. Số người chết vì COVID-19 tại Mỹ tăng 665 người trong vòng 24 giờ qua. Trong khi đó, số lượng phục hồi là 8.805 người, còn số ca bệnh nặng là 5.005 người.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế của Nhà Trắng cảnh báo nguy cơ khoảng 100.000 đến 240.000 người tại Mỹ có thể tử vong do dịch bệnh này. Gần một nửa số ca tử vong nói trên tập trung tại bang New York - tâm dịch COVID-19 tại Mỹ, bất cấp chính quyền bang đã đóng cửa mọi cơ sở kinh doanh tại bang này. Thống đốc Andrew Cuomo đã phải lên tiếng kêu gọi hỗ trợ y tế khẩn cấp trong bối cảnh số người chết do SARS-CoV-2 tại đây đã vượt 1.500 người.
Ngày 1/4, Thống đốc bang Florida Ron DeSantis cũng đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn bang và chỉ thị cho người dân ở nhà để ngăn ngừa dịch lây lan. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông DeSantis kêu gọi người dân giới hạn các hoạt động và chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 2/4, và được đưa ra sau khi Thống đốc DeSantis tham vấn Tổng thống Donald Trump qua điện thoại.
Hiện quân đội Mỹ đang tìm kiếm các khách sạn, nhà khách, trung tâm hội nghị và các khu vực có không gian lớn để dựng 341 bệnh viện tạm thời, đáp ứng nhu cầu giường bệnh đối phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới.
* Italy hiện vẫn là tâm dịch của châu Âu khi ghi nhận số ca dương tính với SARS-CoV-2 nhiều nhất châu lục. Theo trang wordometers.infor, tính đến sáng 2/4, nước này ghi nhận có 110.574 ca nhiễm, trong đó 13.155 ca tử vong.
Chính phủ Italy đã ban lệnh phong tỏa chưa từng có từ ba tuần trước nhằm ngăn COVID-19 lây lan, sau đó quyết định kéo dài biện pháp trên ít nhất tới giữa tháng 4. Hầu hết doanh nghiệp phải đóng cửa, khiến nền kinh tế Italy có nguy cơ rơi vào suy thoái nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ.
Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) Silvio Brusaferro cho rằng, dịch COVID-19 tại Italy đã lên đến đỉnh điểm, tuy nhiên, đó không phải là điểm kết thúc và cần phải thận trọng, bởi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu Italy ngừng các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ.
* Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 9.387 ca tử vong vì COVID-19, cao thứ 2 trên thế giới sau Italy. Cũng tương tự như Italy, Tây Ban Nha ghi nhận kỷ lục buồn mới vào ngày 1/4 với 667 ca tử vong vì COVID-19 trong vòng 24 giờ, trong khi các quan chức ngành y tế cho biết xu hướng nhiễm bệnh đang giảm.
* Ghi nhận tại một số quốc gia khác trên thế giới:
Đức là nước bị ảnh hưởng lớn thứ 3 tại châu Âu do dịch COVID-19 với tổng số ca mắc lên đến 77.981 trong đó có 931 ca tử vong. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 1/4 tuyên bố chính phủ liên bang và 16 bang tại quốc gia này đã nhất trí gia hạn biện pháp "giãn cách xã hội" cho đến ngày 19/4 để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Bà Merkel cũng cảnh báo sẽ có những hậu quả thảm khốc nếu các biện pháp hạn chế bị dỡ bỏ quá sớm, đồng thời cho biết, chính phủ sẽ đánh giá lại tình hình sau Lễ Phục sinh.
Pháp ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục mới trong ngày. Tính đến nay, số ca tử vong tại nước này lên 4.032 người. Theo số liệu thống kê mới nhất, Pháp ghi nhận có 56.989 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Ông Jerome Salomon thuộc Bộ Y tế nước này cho biết, nhiều người hiện chưa được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do thiếu thiết bị, Đây là tình trạng chưa từng có trong lịch sử ngành y tế Pháp.
Tổng thống Emmanuel Macron đã đến thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang y tế tại thành phố Anger, miền Tây nước Pháp, nơi đang hoạt động 24/24h. Tại đây, ông Macron đã tuyên bố một khoản đầu tư lên đến 4 tỷ EUR để mua khẩu trang y tế, máy thở và thuốc men. Ngoài ra, Pháp đã đặt mua 1 tỷ khẩu trang và đang nhận những chuyến hàng đầu tiên từ Trung Quốc.
Tại châu Á: Trung Quốc và Iran vẫn là các quốc gia có số ca dương tính với SARS-CoV-2 nhiều nhất. Tính đến sáng nay, Trung Quốc ghi nhận có 81.554 ca mắc COVID-19, trong đó 3.312 ca tử vong. Iran có 47.593 ca nhiễm và 3.036 ca tử vong.
Đông Nam Á: Tính đến 2/4, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng hơn 9.500 ca COVID-19. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm đã tăng lên 315 người. Tín hiệu đáng mừng là các nước trong khu vực cũng thông báo hơn 1.400 người đã được điều trị thành công và xuất viện.
Malaysia là vùng dịch lớn nhất với 2.908 ca nhiễm và 45 người tử vong. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob khẳng định nước này sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn trong giai đoạn hai thực hiện lệnh hạn chế đi lại từ ngày 1/4 đến 14/4. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Malaysia cũng cho biết cảnh sát và quân đội nước này sẽ tăng cường các chốt kiểm soát giao thông và hoạt động tuần tra nhằm đảm bảo người dân thực hiện nghiêm chỉnh lệnh hạn chế đi lại.
Indonesia là vùng dịch chết chóc nhất khu vực với 157 người tử vong trong tổng số 1.677 người nhiễm. Nhiều chuyên gia lo ngại hệ thống y tế Indonesia có nguy cơ "sụp đổ" do thiếu giường bệnh, nhân viên y tế và các cơ sở chăm sóc đặc biệt nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng.
Philippines hiện đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á về số ca COVID-19 với 2.311 ca, trong đó 96 người đã tử vong. Một số nước trong khu vực cũng ghi nhận các ca nhiễm mới trong ngày. Theo ghi nhận, Thái Lan hiện có 1.771 ca mắc COVID-19 và 12 ca tử vong. Singapore có tổng cộng 1.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 3 ca tử vong. Số ca lây nhiễm và tử vong tại Brunei lần lượt là 131 và 2. Campuchia, Myanmar, Việt Nam, Lào và Đông Timor hiện chưa ghi nhận có ca tử vong nào. Số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia đến nay là 109 trường hợp, Myanmar là 15, Lào ghi nhận có 10 ca mắc SARS-CoV-2 và Đông Timo ghi nhận 1 trường hợp./.
Theo dangcongsan.vn