Thông tin đối ngoại

Phát huy tinh thần Ngày giải phòng Gia Nghĩa 23/3/1975 trong xây dựng và bảo bệ tổ quốc hiện nay
Ngày đăng 26/02/2020 | 15:57  | View count: 3446

Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân các dân tộc trên địa bàn Gia Nghĩa đã có nhiều đóng góp quan trọng cho các hoạt động xoi, mở đường, bắt nối khai thông đường hành lang chiến lược Nam Tây Nguyên - Đông Nam Bộ, trong các hoạt động xây dựng lực lượng, kiện toàn tổ chức và kháng chiến sôi nổi ở các căn cứ của quận Khiêm Đức … Trong chiến dịch Tây Nguyên lịch sử, quân dân các dân tộc trên địa bàn Gia Nghĩa đã nổi dậy cùng quân chủ lực giải phóng quê hương, góp phần quan trọng cho chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, mở màn cho đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Tháng 10-1974, nhận định tình hình trong nước và quốc tế có những chuyển biến có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị quyết định giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, địa bàn Tây Nguyên được chọn làm hướng chiến trường chính, trong đó thị xã Buôn Ma Thuột được chọn là trận mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975; huyện Khiêm Đức và Gia Nghĩa là mục tiêu phối hợp cho mặt trận chính ở Buôn Ma Thuột.

Ngày 04-3-1975, chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu. Sau những chiến thắng vang dội của quân và dân Đắk Nông ở Đức Lập, Kiến Đức, trên chiến trường huyện Khiêm Đức, Tỉnh ủy Lâm Đồng cử đồng chí Trần Thành, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến trực tiếp chỉ đạo địa bàn, huy động lực lượng địa phương gồm 2 trung đội và 22 cán bộ đội công tác làm nhiệm vụ bám cơ sở vận động quần chúng nổi dậy phối hợp. Ngày 22-3, địch ở Gia Nghĩa rút chạy theo đường Kinh Đạ xuống Di Linh bị lực lượng địa phương bám đánh, bắn cháy 2 xe, địch hoảng hốt bỏ cả xe pháo chạy trốn vào rừng về phía sông Đồng Nai. 5 giờ sáng ngày 23-3-1975, lực lượng vũ trang của ta vào tiếp quản địa bàn Gia Nghĩa. Trưa ngày 23-3- 1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trước dinh Tỉnh trưởng Quảng Đức, Ty Cảnh sát và các công sở khác. Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoàn toàn được giải phóng. 

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Gia Nghĩa cùng cả nước bước vào thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và đã giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Một góc thành phố Gia Nghĩa hôm nay. ảnh: theo Báo Đắk Nông điện tử

Đến nay, Gia Nghĩa trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh Đắk Nông. Tổng thu ngân sách năn 2019 ước đạt 886,391 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp; cơ sở hạ tầng được đầu tư và nâng cấp làm cho bộ mặt đô thị có nhiều khởi sắc, đặc biệt là hệ thống giao thông (100% đường được nhựa hóa, bê tông hóa) đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt (không còn hộ nghèo), văn hóa - xã hội có bước phát triển khá; quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Hệ thống chính trị các cấp được củng cố, kiện toàn; năng lực lãnh đạo, quản lý của các tổ chức đảng, chính quyền được nâng cao; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được chú trọng phát huy trong đời sống chính trị - xã hội.

Từ những thành quả trên, Đảng, Nhà nước đã ghi nhận nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đánh dấu bằng sự kiện ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 835/NQ-UBTVQH14 về thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa và thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông. Phát huy niềm tự hào, truyền thống và giá trị lịch sử của chiến thắng Gia Nghĩa (23/3/1975), mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố Gia Nghĩa hôm nay cần đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, ra sức thi đua, phấn đấu xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh, khẳng định được vị thế là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Đắk Nông, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Phạm Lục (BTGTU)