Thông tin đối ngoại

Hy vọng sản phẩm thổ cẩm tìm được hướng đi mới
Ngày đăng 20/12/2018 | 10:29  | View count: 57488

Đón chào sự kiện Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tại tỉnh Đắk Nông năm 2018, nhiều nghệ nhân, đồng bào các dân tộc ở các địa phương hy vọng sẽ đem lại hướng đi mới cho nghề dệt thổ cẩm và sản phẩm thổ cẩm.

* Nghệ nhân H'Bạch ở bon N'Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa):

 

Tôi giữ nghề dệt thổ cẩm mấy chục năm nay và cũng đã nỗ lực tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng tiêu thụ còn rất hạn chế, mỗi tháng cũng chỉ được khoảng 5 sản phẩm. Được biết, Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tại tỉnh Đắk Nông năm 2018 sẽ diễn ra tại thị xã Gia Nghĩa và quy tụ rất nhiều sản phẩm truyền thống các dân tộc. Đây là dịp để chúng tôi có thể giới thiệu sản phẩm truyền thống độc đáo của dân tộc mình với du khách nên ai nấy đều háo hức và mong chờ sự kiện. Hy vọng, các sản phẩm thổ cẩm truyền thống được dệt theo kỹ thuật mới, chất liệu, hoa văn mới sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng và đặt hàng.

* Bà Giàng Thị Nhung ở xã Đắk R'măng (Đắk Glong):

 

Mỗi dân tộc đều có trang phục thổ cẩm riêng biệt. Được sự quan tâm, hỗ trợ của cơ quan chức năng nên nghề dệt truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được gìn giữ, phát huy. Để chuẩn bị cho Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tại tỉnh Đắk Nông, vừa qua, chúng tôi cũng đã được tiếp cận cách thức dệt thổ cẩm bằng chất liệu mới, khung dệt mới, đơn giản hơn rất nhiều. Hy vọng, những sản phẩm mới này sẽ được mọi người biết đến, có được thị trường tiêu thụ.

Bà H'jũm ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút):

 

Thông qua các phương tiện truyền thông, tôi đã nắm bắt được các thông tin, hoạt động của Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tại tỉnh Đắk Nông. Tôi cảm thấy rất vui, bởi ngoài việc trưng bày sản phẩm truyền thống của dân tộc, bà con còn được chiêm ngưỡng các sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của các dân tộc thiểu số trên đất nước Việt Nam. Qua lễ hội, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu, tiếp thu, học hỏi những cách làm hay, nhất là việc gìn giữ nghề dệt thổ cẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Bà Thị D'je ở bon Đắk R'moan, xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa):

 

Những ngày qua, chúng tôi tiếp cận nhiều thông tin liên quan đến Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tại tỉnh Đắk Nông. Lâu nay, việc duy trì, gìn giữ nghề đã khó nhưng việc làm sao sống được với nghề và các sản phẩm thổ cẩm có chỗ đứng trên thị trường lại còn khó hơn. Vì vậy, các hoạt động xoay quanh lễ hội rất chính đáng, gắn liền với tâm tư, nguyện vọng của bà con nên ai cũng chờ đón. Hy vọng, qua sự kiện, sản phẩm thổ cẩm của người M'nông nói chung và các dân tộc anh em khác sẽ tìm được hướng đi mới cho mình.

Theo Đắk Nông Online