Thông tin đối ngoại
Lập liên minh để hỗ trợ liên minh, một câu chuyện mới xem ra có vẻ xa lạ nhưng đang diễn ra giữa lục địa châu Âu hiện tại.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel - Ảnh: Reuters |
Dư luận đều biết, nhân kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất ở thủ đô Paris hôm 11/11, với sự có mặt của 70 nhà lãnh đạo thế giới, dù không chỉ đích danh, nhưng trong bài diễn văn, Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron đã không ngần ngại khi lên tiếng cảnh báo về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, một trong những nguyên nhân dẫn đến bi kịch lịch sử của nhân loại tròn 100 năm trước, hiện đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức. Theo ông Macron, những nền tảng đa phương được hình thành 100 năm qua, nhất là sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đến nay, đang bị đe dọa nghiêm trọng, chủ nghĩa đơn phương đang tác động tiêu cực, thậm chí đang làm lung lay đến tiến trình phát triển của EU cũng như trên phạm vi toàn thế giới.
Một tuần sau ngày kỷ niệm 100 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến công du tới Đức và ông cũng đã tiếp tục bày tỏ mối quan ngại đó. Đồng thời ông Macron kêu gọi hình thành một liên minh Pháp-Đức mới để hỗ trợ châu Âu có đủ khả năng đối phó với mọi thách thức trong tương lai.
Trong bài phát biểu tại Quốc hội Liên bang Đức, ngày 18/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng nhấn mạnh rằng: Đã đến lúc Pháp và Đức cần hợp tác cùng nhau để xây dựng một châu Âu hiện đại, hiệu quả và dân chủ trong tương lai. Vì cả hai nước vốn là trụ cột của EU.
Theo ông Macron, châu Âu cần phải phát triển một cách mạnh mẽ và tự chủ hơn để có thể hoàn thành nhiệm vụ ngăn cản "mọi tình huống hỗn loạn" trong các vấn đề toàn cầu.
Tổng thống Pháp Macron cũng chỉ ra rằng Đức và Pháp đã vượt qua 200 năm "các cuộc chiến tàn nhẫn" để tạo dựng "một nền hòa bình lâu dài" cũng như "củng cố một nền tảng hợp tác vững mạnh trên mọi lĩnh vực" giữa hai nước.
Trong một khía cạnh khác đầy hàm ý khi Tổng thống Pháp Macron cũng kêu gọi châu Âu không được trở thành một "món đồ chơi" của các cường quốc trên thế giới, mà cần phải chịu trách nhiệm nhiều hơn nữa về các chính sách an ninh và quốc phòng của mình.
Hay nói cách khác như ông Macron đã từng đề cập trước đây là muốn EU hình thành một quân đội riêng của mình để đối phó với các cuộc khủng hoảng và không lệ thuộc vào người bạn đồng minh chiến lược ở bên kia bờ Đại Tây dương.
Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết bà hoàn toàn đồng ý với đánh giá của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi cho rằng châu Âu đang đứng tại một vị trí hoàn toàn "bấp bênh" khi mà chủ nghĩa đơn phương đang phá vỡ các quan hệ đa phương vốn có.
Thủ tướng Merkel một lần nữa cũng nhắc lại sự ủng hộ của bà đối với đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc thành lập quân đội châu Âu trong tương lai, biểu tượng của một lục địa thống nhất.
Trước đó, ngày 13/11, phát biểu tại phiên họp Nghị viện châu Âu (EP), Thủ tướng Merkel nói: "Điều gì thực sự quan trọng, nếu chúng ta nhìn vào những diễn biến trong năm qua, đó là chúng ta phải hợp tác vì một viễn cảnh về một ngày sẽ xây dựng được một quân đội châu Âu thực chất và đúng nghĩa".
Việc Pháp-Đức đưa ra lời kêu gọi lập liên minh hai nước để hỗ trợ EU cho thấy, chủ nghĩa đơn phương đang thật sự đe dọa đến kinh tế-quốc phòng-an ninh của khối này.
Bởi điều mà trong 2 năm qua ai cũng dễ dàng nhận ra đó là bất chấp sự phản ứng của EU, Mỹ vẫn quyết định áp thuế nhôm, thép và đe dọa áp thuế ô tô của châu Âu vào thị trường Mỹ; quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và tiến hành trừng phạt các doanh nghiệp châu Âu làm ăn với Teheran; đặc biệt là sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) thời Chiến tranh Lạnh với Nga mà không hề trao đổi với EU… càng làm cho liên minh này như đang bị "bỏ rơi".
Bối cảnh đó, Pháp-Đức nói riêng và EU nói chung không có con đường nào khác hơn là tự thân tìm lối thoát cho chính mình trước khi quá muộn!
Theo chinhphu.vn