Thông tin đối ngoại
Nhiều năm qua, thông qua Chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn từ Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh, nhiều hộ gia đình thuộc diện thụ hưởng như được "tiếp sức" để phát triển kinh tế, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống.
Nguồn vốn "gõ cửa" đúng lúc
Trước đây, mặc dù không thuộc diện nghèo của xã, nhưng gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, ở thôn 1, xã Đắk N'Drót (Đắk Mil) khá chật vật để trang trải sinh hoạt cho 6 thành viên trong gia đình. Bởi vì, hằng năm, nguồn thu nhập từ 1 ha cà phê không thể trang trải đầy đủ chi phí sinh hoạt, tiền con cái học hành.
Năm 2012, theo Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, gia đình chị Hằng may mắn được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện để mở cửa hàng tạp hóa. Sau gần 5 năm buôn bán thuận lợi, tích góp tiết kiệm, gia đình chị đã trả được nợ gốc cho ngân hàng và trang trải thêm các chi phí khác.
Đến năm 2017, cũng với chương trình cho vay này, chị Hằng tiếp tục làm đơn để được tổ tiết kiệm và vay vốn tạo cơ hội cho vay thêm nhằm mở rộng quy mô cửa hàng. Có vốn làm ăn, cộng với "có duyên" trong kinh doanh, cửa hàng tạp hóa của chị Hằng ngày càng "ăn nên làm ra". Hiện tại, mỗi năm, cửa hàng tạp hóa mang về cho gia đình chị nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng. Từ đây, cuộc sống của gia đình chị khấm khá dần; con cái được học hành đầy đủ hơn.
Nhờ được vay vốn ưu đãi, gia đình chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn 1, xã Đắk N'Drót (Đắk Mil) đã mở cửa hàng tạp hóa và cải thiện kinh tế gia đình |
Chị Hằng chia sẻ: "Có được như ngày hôm nay, cùng với xuất phát từ sự nỗ lực của các thành viên trong gia đình thì quan trọng hơn là nguồn vốn ưu đãi hỗ trợ đắc lực, kịp thời. Vay được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, thời hạn vay lại kéo dài đã giúp gia đình yên tâm trong quá trình buôn bán, cũng như có kế hoạch trong việc tích góp, trả nợ".
Tương tự, trước đây, gia đình ông Đinh Văn Lương, ở thôn 3, xã Đắk Gằn (Đắk Mil) cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đất đai sản xuất thì có, nhưng không có vốn để đầu tư lằm ăn lớn, chỉ quanh quẩn trồng ít ngô, mì nên thu nhập chẳng đáng là bao. Cách đây gần 2 năm, gia đình ông được vay 50 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để chăn nuôi 3 con bò sinh sản. Vừa nuôi bò, gia đình ông vừa tiếp tục cải tạo để trồng thêm ngô và trồng cỏ. Hiện giờ, gia đình ông đã sở hữu đàn bò 5 con. Mỗi năm, ông bán 2 lứa bê với thu nhập gần 50 triệu đồng.
"Nhờ được chăm sóc chu đáo, lại có nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn nên chi phí đầu tư cho đàn bò không cao, trong khi mỗi năm đàn bò sinh sản thêm bê đã giúp gia đình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống", ông Lương chia sẻ.
Anh Lê Văn Bé, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn thôn 1, xã Đắk N'Drót cho biết, hiện nay, trong tổ có 55 thành viên được vay vốn từ NHCSXH với dư nợ hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng Chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn là hơn 400 triệu đồng, với hơn 10 thành viên được vay vốn. Nhờ vốn vay với lãi suất ưu đãi mà bà con có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Đáng mừng hơn, có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững và kinh tế gia đình ngày càng khấm khá.
Nhiều gia đình ở vùng khó khăn được vay vốn ưu đãi đầu tư trồng cây ăn trái đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh tư liệu |
Đẩy mạnh giải ngân kịp thời
Theo ông Đào Thái Hòa, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn được triển khai trong thời gian qua đã mang lại cho các hộ gia đình tại vùng khó khăn có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu, cải thiện kinh tế gia đình. Nhiều mô hình làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi này như: Phát triển trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm… đã ra đời, góp phần lớn để thay đổi cuộc sống gia đình người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.
Cũng theo ông Hòa, để đẩy mạnh giải ngân vốn cho những hộ gia đình có nhu cầu, thông qua hoạt động cho vay, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội kiểm tra, giám sát, bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả sử dụng vốn theo đúng mục tiêu chương trình đặt ra. Công tác tuyên truyền được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như các buổi giao dịch lưu động tại xã, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ vay được tiếp cận vốn vay nhanh chóng.
Đặc biệt, hằng năm, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở rà soát, nắm bắt lại nhu cầu vay vốn của các gia đình thuộc diện thụ hưởng để ngân hàng lập kế hoạch vốn trình NHCSXH Việt Nam bổ sung nguồn vốn cho vay. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình trên địa bàn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đã được "tiếp sức" vốn vay kịp thời để mở rộng sản xuất, kinh doanh, mang về thu nhập ổn định.
Đến nay, tổng dư nợ của chương trình này tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh là hơn 572 tỷ đồng, với hơn 19.660 hộ gia đình được vay vốn. Trong đó, riêng doanh số cho vay trong 9 tháng đầu năm 2018 được gần 143 tỷ đồng. |
Theo Đắk Nông Online