Thông tin đối ngoại

Cần tư vấn để áp dụng biện pháp tránh thai phù hợp
Ngày đăng 10/10/2018 | 13:36  | View count: 5255

Để tránh có thai ngoài ý muốn, các cặp vợ chồng đã lựa chọn sử dụng nhiều biện pháp tránh thai khác nhau nhưng thực tế vẫn có nhiều câu chuyện "dở khóc, dở cười" xung quanh vấn đề này.

Chị em cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn các biện pháp tránh thai phù hợp.  Ảnh: Nhân viên y tế tư vấn cho phụ nữ xã Đắk Som (Đắk Glong) về KHHGĐ

Tránh thai… vẫn có thai

Mới sinh con được hơn 9 tháng, vợ chồng chị N.T.H ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã tìm hiểu và sử dụng nhiều biện pháp để tránh thai một cách an toàn, hiệu quả nhất. Sau một thời gian sử dụng thuốc uống tránh thai nhưng không hợp, chị H được các bác sĩ tư vấn về phương pháp đặt vòng tránh thai, nên quyết định thử.

Khi con nhỏ được hơn 1 năm tuổi, chị H thấy trong người mệt mỏi, có những biểu hiện khác thường, cứ nghĩ rằng do chăm con nên mệt mỏi. Thấy tình trạng kéo dài, chị H đến cơ sở y tế khám và "sững sờ" khi bác sĩ thông báo chị có thai được 5 tuần do chiếc vòng tránh thai bị lệch khỏi vị trí ban đầu.

Tương tự, chị V.T.S ở xã Đắk Som (Đắk Glong) đã có 4 đứa con, đứa nhỏ nhất chỉ mới hơn 1 tuổi. Sau nhiều lần được nhân viên dân số tư vấn, vận động, chị S quyết định uống thuốc tránh thai. Thế nhưng, do công việc nương rẫy bận rộn, cộng với phải chăm sóc 4 đứa con nhỏ, chị S thường xuyên quên uống thuốc nên tiếp tục mang thai đứa con thứ 5.

Thực tế cho thấy, vấn đề tránh thai nhưng vẫn có thai không phải là hiếm gặp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số. Với thâm niên nhiều năm làm chuyên trách dân số ở xã Đắk Som (Đắk Glong), chị Triệu Thị Lý cũng gặp nhiều câu chuyện "cười ra nước mắt" của các cặp vợ chồng khi sử dụng biện pháp tránh thai.

Theo chị Lý, với đặc thù là địa bàn đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên việc vận động người dân sử dụng các biện pháp tránh thai gặp rất nhiều khó khăn. Điều đáng nói là, không ít cặp vợ chồng đã chấp nhận sử dụng biện pháp tránh thai nhưng không đúng cách, không đều đặn dẫn đến vẫn mang thai ngoài ý muốn. Trong hầu hết những tình huống như vậy, họ đều "bắt vạ" nhân viên dân số, y tế. Nhiều người còn cho rằng, thuốc uống tránh thai hay vòng tránh thai của trạm y tế "không bảo đảm chất lượng" nên không tin tưởng sử dụng nữa, làm cho việc tuyên truyền, vận động lại càng khó hơn.

Không có biện pháp nào tối ưu

Theo các bác sĩ của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, bất kỳ một phương pháp tránh thai nào cũng sẽ có tỷ lệ thất bại nhất định. Vì vậy, một số trường hợp đặt vòng hoặc uống thuốc tránh thai… nhưng vẫn mang thai là điều dễ hiểu. Cụ thể, đối với việc đặt vòng tránh thai, nguyên nhân có thể do vòng bị tuột, rơi ra ngoài sau khi đặt. Một số chị em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa trong sản xuất nông nghiệp, thường xuyên làm việc nặng nhọc cũng dễ làm cho vòng tránh thai bị áp lực đẩy xuống thấp và tăng nguy cơ rơi ra ngoài. Một nguyên nhân khác là trong sinh hoạt hàng ngày, vòng tránh thai bị tác động lệch khỏi vị trí ban đầu, hoặc bị biến dạng nên không đạt được hiệu quả tránh thai như mong muốn.

Hay như việc uống thuốc tránh thai hàng ngày, một biện pháp được khá nhiều chị em lựa chọn, hiệu quả lên đến gần 100% trong việc tránh thai. Tuy nhiên, do việc sử dụng không đều đặn, không đúng giờ hoặc do tương tác với những loại thuốc, thảo dược khác… dẫn đến việc thuốc tránh thai bị mất tác dụng.

Cũng theo các bác sĩ, hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai và mỗi biện pháp đều có những ưu, nhược điểm khác nhau, không có biện pháp nào là tối ưu cho tất cả mọi người. Do đó, trước khi áp dụng một biện pháp tránh thai cụ thể, chị em cần đến cơ sở y tế, các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ để khám sức khỏe và được tư vấn về các biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe, công việc và hoàn cảnh gia đình, bảo đảm đem lại hiệu quả tránh thai tốt nhất.

 

Hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai và mỗi biện pháp đều có những ưu, nhược điểm khác nhau, không có biện pháp nào là tối ưu cho tất cả mọi người. Do đó, trước khi áp dụng một biện pháp tránh thai cụ thể, chị em cần đến cơ sở y tế, các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ để khám sức khỏe và được tư vấn về các biện pháp tránh thai phù hợp với sức khỏe, công việc và hoàn cảnh gia đình.

 

Theo Đắk Nông Online