Thông tin đối ngoại

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019
Ngày đăng 24/09/2018 | 14:05  | View count: 3669

Ngày 24/9/2018, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành trên cả nước nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư  Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị. 

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có đồng chí Trương Thanh Tùng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến về đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2018 - Ảnh chụp qua màn hình trực tuyến
 

Theo báo cáo tại Hội nghị, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao, trong đó dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch.

Kết quả nổi bật nhất là kiểm soát được lạm phát liên tiếp trong 3 năm 2016-2018; chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) duy trì ở mức dưới 4%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao. Các chính sách tài khoá, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác được điều hành linh hoạt, kịp thời, giữ vững được sự ổn định của tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, tín dụng trong nước; thanh khoản và an toàn hệ thống được đảm bảo; duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, khoảng 17%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên. Nợ công giảm từ 63,7% cuối năm 2016 xuống còn khoảng 61,4% năm 2018.

Đáng chú ý là thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017. Bội chi ngân sách ước đạt 3,67%, vượt mục tiêu Quốc hội giao (3,7%). Cơ cấu chi ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt ở mức cao mục tiêu Quốc hội giao (33-34%) và mục tiêu 5 năm (32-34%). Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, đầu tư của khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng ngày càng cao; giải ngân vốn FDI đạt khá. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, vượt mốc kỷ lục năm 2017, ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%; trong đó xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2%,vượt mục tiêu Quốc hội giao; cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỷ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
 

Ước tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 đạt khoảng 6,7% và dự báo triển vọng có thể cao hơn khi những nỗ lực giải pháp các tháng cuối năm tiếp tục được duy trì hiệu quả. Quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt 5.555 nghìn tỷ đồng, tương đương 240,5 tỷ USD, GDP bình quân đầu người  ước đạt 2540 USD/ người, tăng thêm 155 USD so với năm 2017.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, tăng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tuy vậy, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, ước đạt 3,3%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2016. Khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 7,59%, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng vượt bậc, liên tục ở mức 2 con số, ước đạt 12,46%, trở thành động lực dẫn dắt của cả khu vực công nghiệp và đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng, ước đạt 7,35%.

Trong năm 2018, các lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các đối tượng chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại nặng nề do thiên tai được các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương quan tâm, hỗ trợ, thực hiện theo đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời triển khai có hiệu quả các mục tiêu giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước còn khoảng 5,2-5,7%, giảm từ 1-1,5% so với cuối năm 2017 (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm trên 4%), vượt mục tiêu Quốc hội giao. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước giảm còn 3,14%... Cùng với đó, tiềm lực quốc phòng an ninh chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo hiệu quả; hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được nâng lên.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế nước ta trong năm 2018 vẫn đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, tồn tại và hạn chế, nhất là những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 và các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế những năm qua vẫn chưa được xử lý triệt để; tiến độ thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhìn chung còn chậm; việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, kết cấu hạ tầng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào vốn thay vì đổi mới công nghệ; nguồn lực để thực hiện chính sách về văn hoá còn hạn chế, một số chính sách chậm ban hành...

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông
 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã góp phần đem lại những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực, giúp hoàn thành cơ bản các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Trong những tháng còn lại của năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương với quyết tâm chính trị và nỗ lực cao nhất không chủ quan, lơ là, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 01/NQ-CP; kiên định thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục các giải pháp cắt giảm yêu cầu về điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí, cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo niềm tin thu hút mạnh hơn nữa đầu tư của lĩnh vực tư nhân. Phải rà soát những gì chúng ta đã thực hiện, làm tốt và những vấn đề đang còn làm dở dang thì đẩy mạnh; đặc biệt, những vấn đề chưa làm được phải nỗ lực tập trung giải quyết. Từ đó, làm sao để tất cả hệ thống chính trị phải nỗ lực một cách cao nhất để hoàn thành kết quả cao nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 mà Quốc hội đã đề ra.

Tại Hội nghị, trên cơ sở các dự báo về bối cảnh trong nước và quốc tế năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Theo đó, phương hướng chung của năm 2019 là: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế. Duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở cải thiện thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế gắn với đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế gắn với xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ liêm chính, hành động phục vụ. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục phát huy tinh thần ngoại giao chủ động, sáng tạo, hiệu quả, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Sam Nguyễn