Thông tin đối ngoại
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm Liên bang Nga; Khai mạc Đại hội đồng AIPA; Hai miền Triều Tiên tiến tới cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba;Quốc hội Campuchia khóa VI họp phiên đầu tiên; Amazon trở thành công ty nghìn tỷ USD thứ hai thế giới ; Đánh bom kép tại Afghanistan; ...là một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm Liên bang Nga
Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 05 đến ngày 08 tháng 9 năm 2018.
Trong thời gian ở thăm Liên bang Nga, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với thành phần hẹp và mở rộng với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch Đuma Quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga Andrey Turchak; đặt vòng hoa tại Mộ Liệt sỹ vô danh, Lăng Vladimir Ilyich Lenin và Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp gỡ các cựu chiến binh, chuyên gia Nga từng làm việc tại Việt Nam, dự Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Hữu nghị Nga-Việt; thăm tỉnh Kaluga.
Các cuộc hội đàm, hội kiến diễn ra trong bầu không khí tin cậy, cởi mở và hữu nghị truyền thống. Lãnh đạo hai nước đã trao đổi ý kiến sâu rộng về các vấn đề nhằm tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt - Nga, thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tuyên bố chung có đoạn viết: "Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga khẳng định đường lối nhất quán là củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga, đáp ứng lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước, khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Hai bên đánh giá cao đối thoại chính trị thường xuyên và thực chất, trong đó có cấp cao nhất, sự phối hợp tích cực theo kênh Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan chính quyền địa phương, giữa các chính đảng và tổ chức xã hội."
Khai mạc Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 39
Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 39 (AIPA-39) đã khai mạc ngày 4/9, tại Singapore. Với chủ đề "Hướng tới một Cộng đồng tự cường và sáng tạo," Đại hội có sự tham dự của hơn 350 đại biểu đến từ các Quốc hội thành viên và các nước quan sát viên cùng Ban Thư ký ASEAN, các nghị sĩ từ Maroc và Na Uy - với tư cách là khách mời của nước chủ nhà.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Singapore Tiêu Chí Hiền nhấn mạnh rằng để xây dựng Cộng đồng ASEAN bền vững và sáng tạo, cũng là chủ đề của Chủ tịch ASEAN trong năm nay thì AIPA cần có tiếng nói tập trung vào "4C", đó là "đoàn kết, liên kết, sáng tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu".
Phó Thủ tướng Tiêu Chí Hiền khẳng định các cơ chế do ASEAN dẫn đầu là nền tảng quan trọng cho các nước trong khu vực, nhất là trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp với những thách thức an ninh phi truyền thống và xuyên quốc gia như khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tội phạm mạng cùng với chủ nghĩa bảo hộ đang đe dọa tới trật tự chính trị và kinh tế toàn cầu. Chính vì vậy, AIPA đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đoàn kết và hợp tác trong khu vực để giúp tăng cường khả năng phục hồi của ASEAN đối với các thách thức an ninh đang nổi lên.
Bên cạnh đó, là đại diện của nhân dân, các nghị sĩ AIPA có vai trò quan trọng trong việc giúp người dân các nước hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc tạo lập một ASEAN liên kết chặt chẽ hơn cũng như thúc đẩy thị trường tự do và cởi mở.
Mặt khác, theo Phó Thủ tướng Tiêu Chí Hiền, các nghị sĩ AIPA cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy áp dụng công nghệ mới trong các doanh nghiệp, tận dụng làn sóng cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nhằm xây dựng mạng lưới các thành phố thông minh phục vụ cho lợi ích của người dân. Đặc biệt, với vai trò là cầu nối giữa người dân và chính phủ, AIPA cần thúc đẩy các nhà lãnh đạo khuyến khích tăng trưởng bền vững và tạo lập các hệ sinh thái nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, giảm thiểu những rủi ro của thảm họa thiên nhiên lên đời sống con người.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 39, Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin cho biết Singapore sẽ nỗ lực hết sức mình đóng góp tích cực vào sự hiểu biết lẫn nhau và xây dựng lòng tin giữa các thành viên AIPA, tạo nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác nhằm xây dựng một ASEAN bền vững hơn, sáng tạo hơn và phục vụ tốt nhất cho người dân.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ dẫn đầu đã tham dự Đại hội.
Hai miền Triều Tiên ấn định thời điểm cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba
Ngày 6/9, phát biểu sau khi kết thúc chuyến thăm một ngày tới Bình Nhưỡng, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc, ông Chung Eui-yong cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thăm CHDCND Triều Tiên từ ngày 18 đến 20/9-2018 tới để tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Đây sẽ là hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong năm nay. Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau lần đầu tiên tại làng đình chiến Panmunjom vào ngày 27-4-2018 và lần thứ hai vào ngày 26-5-2018.
Tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, hai nước sẽ rà soát việc thực thi Tuyên bố Panmunjom và thảo luận phương hướng thực thi tuyên bố này trong tương lai, bàn luận các biện pháp thiết thực nhằm thiết lập hòa bình dài lâu và bảo đảm thịnh vượng chung trên Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Ông Chung Eui-yong còn cho biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện vẫn khẳng định cam kết mạnh mẽ của mình nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và bày tỏ sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với không chỉ Hàn Quốc mà cả Mỹ để đạt được mục tiêu đó.
Hiện cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều nhất trí bàn luận các biện pháp cụ thể để xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau và ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang trong khi vẫn tiếp tục các cuộc đàm phán hiện nay về giảm căng thẳng quân sự tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
Bắt đầu từ đầu tuần tới, hai nước sẽ tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ ba tới đây.
Quốc hội Campuchia khóa VI họp phiên đầu tiên
Ngày 5/9, Quốc hội Campuchia khóa VI đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Quốc vương Norodom Sihamoni. Cuộc họp được tiến hành sớm hơn so với quy định của Hiến pháp Campuchia là sau 60 ngày kể từ ngày bỏ phiếu Quốc hội mới phải tiến hành kỳ họp đầu tiên.
Trong Thông điệp Hoàng gia đọc trước Quốc hội mới, Quốc vương Sihamoni đã kêu gọi các tân nghị sĩ trung thành với đất nước, hết lòng, hết sức phụng sự nhân dân.
Ngày 6/9, Quốc hội Campuchia khóa VI đã tiến hành bầu bộ máy lãnh đạo và thông qua thành phần nội các. Theo đó, toàn bộ 125 nghị sĩ của Quốc hội mới, đều thuộc đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đã nhất trí bầu ông Hun Sen làm Thủ tướng, vị trí mà ông đã nắm giữ kể từ năm 1985; bầu lại ông Samdech Heng Samrin, 84 tuổi, nguyên Chủ tịch Quốc hội khóa V, Chủ tịch danh dự đảng CPP, tiếp tục giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa VI. Quốc hội mới cũng đã bầu Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm của 10 Ủy ban chuyên ngành của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Quốc hội mới cũng đã bỏ phiếu tín nhiệm thành phần nội các của Chính phủ Hoàng gia do Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Samdech Techo Hun Sen đệ trình gồm Thủ tướng Samdech Hun Sen và 10 Phó Thủ tướng, 17 Bộ trưởng cấp cao cùng 29 Bộ trưởng.
Dự kiến tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI này, chính phủ Campuchia cũng sẽ thông qua Chương trình hành động 5 năm (2018-2023). Chính phủ Campuchia đặt các ưu tiên hành động theo thứ tự gồm: bảo vệ hòa bình, ổn định của đất nước, bảo đảm an toàn, an ninh nhằm nâng cao mức sống của người dân, bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ; thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên mọi lĩnh vực, trong đó ưu tiên cho việc cải cách quản lý nhằm mục đích tăng cường tính hiệu quả của các cơ quan nhà nước, xây dựng một nền hành chính trong sạch và dịch vụ công hiệu quả, bảo đảm sự ổn định của kinh tế vĩ mô nhằm duy trì phát triển bền vững; tăng cường đào tạo và cơ hội việc làm có chất lượng cho thanh niên, tìm thị trường cho sản phẩm của nông dân, tạo điều kiện làm việc tốt cho công nhân; tăng cường bảo vệ các chính sách xã hội.
Amazon trở thành công ty nghìn tỷ USD thứ hai thế giới
Ngày 4/9, cổ phiếu của tập đoàn công nghệ Amazon đã tăng 1,7% lên 2.050 USD/cổ phiếu, đưa vốn hóa thị trường vượt mốc 1 nghìn tỷ USD. Với cột mốc đáng nhớ này, Amazon đã trở thành công ty thứ 2, sau Apple, trở thành công ty nghìn tỷ USD.
Theo eMarketer, với mức tăng trưởng vượt bậc này, Amazon đã trở thành doanh nghiệp mạnh nhất trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử, chiếm khoảng 50% thị trường bán lẻ trực tuyến, đồng thời đưa nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Jeff Bezos trở thành người giàu nhất thế giới với khối tài sản lên tới 167 tỷ USD.
Kể từ đầu năm 2018 đến nay, cổ phiếu của Amazon đã tăng trưởng 70% và công ty này đã đạt tăng trưởng gấp đôi trong 12 tháng qua. Các nhà phân tích nhận định, cổ phiếu của Amazon sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.
Trong vòng hơn 2 thập kỷ qua, Amazon đã mở rộng quy mô một cách đáng kinh ngạc, tạo ra một cuộc "cách mạng" cho cách thức mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng và thống trị thị trường bán lẻ Internet toàn cầu. Theo các nhà phân tích, hoạt động kinh doanh đa dạng của Amazon chính là yếu tố giúp giá trị của công ty này không ngừng cải thiện. Ngoài lĩnh vực bán lẻ đem lại phần lớn lợi nhuận và thu hút các nhà đầu tư Phố Wall, Amazon còn đa dạng hóa việc bán hàng và kiếm lợi nhuận từ rất nhiều các dịch vụ khác, như dịch vụ lưu trữ đám mây công cộng, hay các dịch vụ đăng ký trả phí như Amazon Prime, và doanh thu từ quảng cáo.
Việc Amazon (và trước đó là Apple) đạt mức vốn hóa thị trường vượt mốc 1 nghìn tỷ USD được xem là màn trình diễn ấn tượng mới nhất của những ông lớn ngành công nghệ Mỹ.
Đánh bom kép tại Afghanistan gây nhiều thương vong
Ngày 5/9, tại một câu lạc bộ thể thao ở phía Tây thủ đô Kabul, Afghanistan, đã xảy ra một vụ đánh bom liều chết và một vụ nổ ít phút sau đó. Giới chức Afghanistan cho biết, số nạn nhân trong hai vụ việc này lên đến ít nhất 20 người thiệt mạng và 70 người bị thương. Tuy nhiên giới chức Afghanistan cũng cho biết, đây có thể chưa phải là con số cuối cùng vì nhiều người bị thương rất nặng.
Câu lạc bộ thể thao trên nằm trong khu vực Dasht-e-Barchi, nơi có đông cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống và cũng thường là mục tiêu của các vụ đánh bom.
Tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng đã tuyên bố chủ mưu hai vụ tấn công trên, trong khi lực lượng phiến quân Taliban thì bác bỏ mọi liên quan.
Hiện nay, Afghanistan liên tục phải đối mặt với tình trạng an ninh bất ổn do các cuộc giao tranh giữa quân đội nước này và phiến quân Taliban. Lợi dụng tình trạng rối ren trên, nhiều tổ chức khủng bố khác, trong đó có tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng cũng đã thiết lập mạng lưới tại quốc gia này. Theo thống kê của Liên hợp quốc, kể từ tháng 1-2009, hơn 26.500 thường dân ở Afghanistan đã thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang ở nước này. Vì vậy, đảm bảo an ninh vẫn là một bài toán hóc búa đối với chính quyền Afghanistan hiện nay.
Nhật Bản liên tiếp hứng chịu thiên tai
Trong năm nay, Nhật Bản liên tiếp phải chịu những thảm họa thiên nhiên. Ngay sau cơn bão Jebi mạnh nhất trong vòng 25 năm qua đổ bộ vào Nhật Bản trong tuần qua, nước này tiếp tục hứng chịu trận động đất mạnh 6,7 độ rích-te (vào ngày 6/9) xảy ra tại đảo Hokkaido, phía Bắc Nhật Bản.
Trận động đất kéo theo các vụ lở đất đã chôn vùi nhà cửa, gây mất điện trên diện rộng, làm gián đoạn giao thông và làm tê liệt mọi hoạt động trên đảo Hokkaido với 5,3 triệu dân này. Theo thông tin mới nhất, trận động đất kể trên đã làm ít nhất 16 người thiệt mạng, 26 người hiện vẫn mất tích và hơn 300 người bị thương.
Hiện cảnh sát, lính cứu hoả và nhân sự của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã phải sử dụng máy móc hạng nặng để tìm kiếm trong những đống đổ nát tại thị trấn Atsuma, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những vụ lở đất xảy ra sau trận động đất. Theo thông tin từ Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, hiện hệ thống điện đã được khôi phục cho khoảng 1,4 triệu hộ gia đình, gần một nửa so với gần 3 triệu hộ gia đình bị ảnh hưởng.
Trận động đất trên là "thảm hoạ thiên tai" thứ hai mà Nhật Bản phải hứng chịu, chỉ tính riêng trong tuần này. Trước đó, cơn bão Jebi với sức gió lên tới 216km/h đã đổ bộ vào khu vực miền Tây của Nhật Bản trong tuần qua, cướp đi sinh mạng của 11 người và khiến hàng trăm người bị thương, hàng nghìn du khách bị mắc kẹt tại sân bay quốc tế Kansai… Đó là chưa kể từ đầu năm nay, Nhật Bản đã phải hứng chịu những thiệt hại lớn về người từ lũ lụt và nắng nóng.
Siêu vi trùng kháng thuốc lan rộng trong các bệnh viện trên toàn thế giới
Các nhà khoa học tại Australia ngày 3/9 cảnh báo một loại siêu vi trùng kháng mọi loại thuốc kháng sinh, có thể gây ra nhiễm khuẩn "nghiêm trọng" hoặc thậm chí gây tử vong, đang lan rộng và khó phát hiện tại các bệnh viện trên toàn thế giới.
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Vi trùng học tự nhiên (Nature Microbiology), các chuyên gia thuộc Đại học Melbourne đã phát hiện 3 biến thể của một siêu vi trùng kháng đa kháng sinh trong các mẫu phẩm từ 10 quốc gia, trong đó các mẫu ở châu Âu cho thấy loại siêu vi này có thể chống lại bất cứ kháng sinh nào có bán trên thị trường hiện nay.
Giám đốc Bộ phận chẩn đoán vi trùng học thuộc Phòng thí nghiệm y tế cộng đồng của Đại học Melbourne, ông Ben Howdencho biết, đã bắt đầu nghiên cứu các mẫu tại Australia, song lại phát hiện ra vi sinh vật trên tại nhiều quốc gia và nhiều cơ sở y tế trên thế giới". Ông lo ngại sự lan rộng của loại vi khuẩn trên, được biết đến với tên khoa học là Staphylococcus epidermidis, có liên quan đến vi khuẩn chết người MRSA được biết đến nhiều hơn và nguy hiểm hơn. Vi khuẩn này được tìm thấy trên da người và phổ biến nhất là ở người già và các bệnh nhân đã được phẫu thuật ghép bộ phận nhân tạo như ống thông tiểu đường hay các bộ phận thay thế khớp xương.
Ông Howden cho biết: "Vi khuẩn này có thể gây tử vong, nhưng thường là ở các bệnh nhân có thể trạng rất yếu đang nằm viện... Rất khó tiêu diệt vi khuẩn này và sự nhiễm trùng có thể nghiêm trọng". Nhóm nghiên cứu của ông Howden đã nghiên cứu hàng trăm mẫu Staphylococcus epidermidis từ 78 bệnh viện trên thế giới và phát hiện một số chủng vi khuẩn có một thay đổi nhỏ trong chuỗi DNA, cho phép chúng chống lại hai loại kháng sinh phổ rộng nhất thường được sử dụng trong các bệnh viện để điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Nhiều loại kháng sinh mạnh nhất thường có giá rất đắt đỏ và rất độc hại, tuy nhiên nhóm nghiên cứu cho biết việc sử dụng nhiều loại kháng sinh cùng lúc để ngăn chặn khả năng kháng khuẩn có thể không phát huy tác dụng. /.
Theo dangcongsan.vn