Thông tin đối ngoại
Khai thác thế mạnh về đất đai và điều kiện khí hậu phù hợp, những năm gần đây, thị xã Gia Nghĩa đã khuyến khích người dân trồng các loại cây ăn trái để phát triển kinh tế. Nhiều vùng đất đã hình thành các trang trại trồng cây ăn trái nổi tiếng, góp phần xây dựng “thương hiệu” cho trái cây địa phương.
Đem lại "tiếng thơm"
Trên địa bàn thị xã hiện đã có nhiều trang trại trồng cây ăn trái được sản xuất theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và các tiêu chuẩn VietGAP, được thị trường ưa chuộng, trong đó chủ yếu là măng cụt, sầu riêng, bơ, cam, quýt…
Vườn măng cụt của Trang trại Gia Ân ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia |
Trang trại Gia Ân ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia của anh Trần Quang Đông hiện quy mô 20 ha trồng các loại cây như: bơ, măng cụt, sầu riêng. Trong đó, có 12 ha cây ăn trái đã cho thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Chỉ tính riêng năm 2018, 8 ha măng cụt tiêu chuẩn VietGAP của trang trại Gia Ân cho thu hoạch trên 70 tấn quả, đem về cho gia đình tầm 4 tỷ đồng.
Anh Trần Quang Đông, chủ trang trại chia sẻ: "Qua thực tế phát triển của trang trại và các hộ gia đình khác trên địa bàn cho thấy điều kiện đất đai, khí hậu của Gia Nghĩa phù hợp với nhiều loại cây ăn trái. Cách đây 5 năm, vườn măng cụt của trang trại đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và hiện thị trường rất tốt, sản phẩm không đủ để bán. Ngoài việc xuất cho các vựa trái cây của các tỉnh, thành như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, 2 năm gần đây, sản phẩm trái cây của trang trại đã xuất khẩu sang Hà Lan, với giá trung bình 100.000 đồng/kg. Hiện nay, chúng tôi đang trồng mới 4 ha măng cụt và trồng xen thêm bơ, sầu riêng để nâng cao thu nhập. Tôi đã xây dựng thương hiệu cho trái cây của trang trại mình 10 năm nay và hiện đang củng cố thêm. Năm nay, tôi dán tem truy xuất nguồn gốc trên 100.000 trái măng cụt mang tên Trang trại Gia Ân, đó cũng là cách để mình quảng bá".
Anh Trần Quang Đông (bên phải) đóng gói măng cụt để xuất khẩu |
Bên cạnh trái măng cụt được đánh giá là quả đẹp, vị ngọt, thanh thì sầu riêng cũng là một trong những loại trái cây của nhà vườn ở Gia Nghĩa được khách hàng khó tính ưa chuộng. Điều đáng nói, các trang trại đã đem lại "tiếng thơm" cho trái cây Gia Nghĩa.
Điển hình như trang trại Gia Trung ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia hiện có khoảng 62 ha sầu riêng; trong đó 35 ha đang trong thời kỳ kinh doanh với sản lượng mỗi năm khoảng 400 tấn. Sản phẩm của trang trại chủ yếu cung cấp thị trường các thành phố lớn và xuất khẩu.
Bơ, cam, quýt, mít, ổi cũng không kém cạnh và đang được thị trường ưa chuộng, khách hàng, du khách mua về thưởng thức, làm quà cho người thân, xem là một đặc sản của vùng đất Gia Nghĩa. Hiện nay, trên địa bàn cũng đã có nhiều trang trại trồng các loại cây ăn trái này.
Ông Nguyễn Ngọc Trung ở bon Sê Rê Ú, xã Đắk Nia ( Gia Nghĩa) làm giàu từ trồng sầu riêng |
Diện tích tăng nhanh
5 năm trở lại đây, diện tích cây ăn trái trên địa bàn thị xã tăng nhanh và hiện có trên 500 ha với nhiều loại cây trồng. Năm 2010, diện tích trồng cây sầu riêng của thị xã chỉ khoảng 25 ha nhưng đến nay là 165 ha. Năm 2010, diện tích bơ rất ít, nhưng trong những năm qua đã được người dân lựa chọn các giống tốt, có chất lượng trồng nhiều, nên đến nay đã có khoảng 242 ha.
Cây ăn trái được người dân trồng chủ yếu ở các xã Quảng Thành, Đắk Nia, Đắk R'moan. Ông Nguyễn Duy Trường ở thôn Tân An, xã Đắk R'moan có 5 ha bơ booth 7 cho biết: "Trước khi chọn giống bơ booth 7, tôi đã tìm hiểu kỹ về chất lượng và được biết thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng, đem lại kinh tế cao. Mỗi cây có thể cho trên 1 tạ trái, những năm qua, giá bơ booth 7 từ 80.000 - 110.000 đồng/kg. Tôi tính toán, nếu giá cả ổn định thì chỉ sau 1- 2 vụ thu hoạch sẽ thu hồi vốn và có lời. Vườn bơ của gia đình năm nay đến tháng 10 sẽ cho thu hoạch và ước cho bói tầm 4-5 tấn quả, những năm sau sản lượng cao hơn sẽ trở thành nguồn thu nhập chính".
Sản phẩm bơ của các nhà vườn ở thị xã Gia Nghĩa trưng bày, giới thiệu tại Lễ hội "Đắk Nông - Mùa bơ chín" năm 2018 |
Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm
Phát triển, mở rộng vùng trồng cây ăn trái theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, theo quy hoạch của tỉnh, hướng tới ổn định, bền vững, hiệu quả, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân là mục tiêu của thị xã Gia Nghĩa đặt ra. Vì vậy, đa số diện tích trồng cây ăn trái của thị xã được người dân chuyển đổi cây trồng từ những vườn cà phê, hồ tiêu, điều… đã già cỗi, hiệu quả kinh tế thấp.
Theo ông Trần Trung Hiếu, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã, song song với việc tăng diện tích cây ăn trái, thị xã xác định cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, với việc định hướng phát triển các cây ăn trái có thế mạnh của địa bàn là sầu riêng, bơ, cam, quýt, chanh dây, măng cụt. Thời gian qua, thị xã đã đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác, xu hướng tiêu dùng của thị trường, nhất là những cây đặc sản, nổi tiếng có lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, thị xã đang đẩy mạnh việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ trái cây. Nông dân được vận động tham gia các hình thức hợp tác liên kết, hình thành "tổ chức sản xuất của nông dân" có quy mô phù hợp theo nhiều mức độ như: câu lạc bộ, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích cây ăn trái trên địa bàn Gia Nghĩa đạt 960 ha, sản lượng đạt 19.200 tấn. Tại xã Đắk Nia: 440 ha với cây trồng chủ lực là sầu riêng, bơ, cam quýt, măng cụt; xã Đắk R'moan 120 ha, chủ lực là sầu riêng, bơ; xã Quảng Thành 90 ha, chủ lực là sầu riêng, bơ. Được biết, 100% diện tích vùng quy hoạch tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 100% sản lượng trái cây tươi bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến năm 2030, diện tích cây ăn trái của thị xã khoảng 1.200 ha, sản lượng đạt khoảng 32.000 tấn; trong đó toàn bộ diện tích cây ăn quả vùng quy hoạch đi vào kinh doanh ổn định, đồng thời rà soát, mở rộng diện tích tại các xã vùng quy hoạch đạt 1.100 ha. |
Theo Đắk Nông Online