Thông tin đối ngoại

Đại biểu Dương Khắc Mai băn khoăn về quyền sử dụng tần số vô tuyến điện
Ngày đăng 16/06/2022 | 08:28  | View count: 7042

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 15/6, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông nhấn mạnh: dự thảo Luật đã được soạn thảo công phu, chặt chẽ trên cơ sở rà soát, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, bất cập trong gần 13 năm triển khai và thi hành luật.

Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Đại biểu Dương Khắc Mai tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa các nội dung có liên quan của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; khai thác hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện; bảo vệ tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 5 của Luật Tần số vô tuyến điện quy định Bộ Thông tin và Truyền thông có nhiệm vụ và quyền hạn là "đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện", đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ tính chất đây là biện pháp quản lý hay biện pháp xử phạt vi phạm hành chính? Nếu chỉ là biện pháp quản lý thì cơ sở pháp lý nào để đề xuất, vì việc áp dụng biện pháp "đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện" ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng băng tần bị đình chỉ, có ý nghĩa như một chế tài xử phạt. Nếu đây là biện pháp xử phạt vi phạm hành chính thì đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trong mối quan hệ với Luật Xử lý vi phạm hành chính. Bởi vì, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 21 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, "đình chỉ hoạt động có thời hạn" là một trong những biện pháp xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, cơ sở để áp dụng biện pháp này phải là hoạt động đó gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với tính mạng, sức khỏe con người, môi trường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Luật Xử lý vi phạm hành chính không loại trừ Luật Tần số vô tuyến điện được có các quy định riêng trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật, cơ sở để áp dụng biện pháp "đình chỉ có thời hạn một phần quyền sử dụng tần số vô tuyến điện" là vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông mà không rõ là việc vi phạm cam kết đó có hậu quả nghiêm trọng hoặc khả năng gây hậu quả nghiêm trọng hay không. Do đó, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉnh lý lại quy định này để bảo đảm thống nhất của hệ thống pháp luật, tính chặt chẽ và khả thi.

Phiên thảo luận tập trung tại hội trường chiều 15/6

Để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chỉnh sửa khoản 11 Điều 1 sửa đổi tên Điều 31 và sửa đổi, bổ sung Điều 31 như sau: "3. Tổ chức, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sử dụng tần số vô tuyến điện cho mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế xã hội theo quy định tại khoản 4 Điều 45 của Luật này có nghĩa vụ nộp phí, lệ phí, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện bằng giá với các doanh nghiệp khác đối với lượng tần số vô tuyến điện sử dụng cho phát triển kinh tế xã hội trong băng tần phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh".

Về cấp lại giấy phép sử dụng băng tần Điều 20a (khoản 8 Điều 1: Bổ sung Điều 20a vào sau Điều 20), theo đại biểu, việc thông báo về kế hoạch và phương thức cấp phép đối với băng tần đã cấp là cần thiết để đảm bảo cho doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch đầu tư mạng lưới. Vì vậy, cần điều chỉnh lại như sau: "Trong thời hạn 5 năm trước ngày giấy phép sử dụng băng tần hết hạn, tổ chức có nhu cầu được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần phải có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị xem xét được cấp lại giấy phép".

Về sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 23 (khoản 9 Điều 1), đại biểu Dương Khắc Mai cho rằng việc "Không nộp đúng, đủ, kịp thời phí sử dụng tần số vô tuyến điện, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật" là trường hợp khiến tổ chức, cá nhân bị thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện. Đề nghị bổ sung theo hướng quy định cho phép tổ chức, cá nhân có thời gian khắc phục. Ví dụ, cơ quan quản lý nhà nước gửi thông báo nhắc phí chậm nộp 02 lần, mỗi lần cách nhau 30 ngày để tổ chức, cá nhân nộp phí, tránh áp dụng ngay việc thu hồi giấy phép vì khoản phí không được đóng kịp thời và bổ sung mức phạt chậm nộp trong thời gian khắc phục.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử