Thông tin đối ngoại
Chiều 31/5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận tại tổ về 2 dự án luật: Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Liên quan đến hai dự án luật này, riêng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã có nhiều lượt ý kiến thảo luận sâu ở nhiều nội dung, vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở |
Đối với dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Trường Giang, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông nhấn mạnh: Việc rất quan trọng trước tiên ở đây là cần xác định khái niệm cơ sở là gì? Trước đây, pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cơ sở là ở xã, phường, thị trấn. Còn bây giờ định nghĩa của dự thảo luật này đặt ra là cơ sở bao gồm xã, phường, thị trấn, tổ dân phố, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp… Tất tần tật cho hết vào khái niệm cơ sở. Xã, phường, thị trấn là một cấp hành chính. Thế còn tổ dân phố, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp… là một tập hợp mang tính tự nguyện rất cao và không thể xếp với xã, phường được. Vì vậy, phải xác định cơ sở là cái gì. Nếu chúng ta xác định được cơ sở là cái gì thì mới xác định được dân biết được những cái gì, dân bàn cái gì, dân kiểm tra cái gì, quyết định cái gì và thụ hưởng cái gì. Ví dụ, doanh nghiệp ở đây khác với xã, phường, đó là quan hệ lao động. Quan hệ lao động ở đây được điều chính bởi nhiều luật, trong đó có Luật Lao động và Luật Công đoàn… Nếu đưa doanh nghiệp vào khái niệm cơ sở, các điều tiết trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở có phù hợp, chồng chéo hay không. Vấn đề này chúng ta phải tính lại.
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luận dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở |
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông cho rằng, doanh nghiệp có Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động chi phối. Doanh nghiệp khác loại hình với thôn bản, tổ dân phố… Nếu đưa doanh nghiệp vào đối tượng của dự án luật này thì nên công khai thông tin đến đâu? Bên cạnh đó, đại biểu Dương Khắc Mai cũng cho rằng dự án luật này cần nghiên cứu kỹ một số nội dung về cơ chế đảm bảo thực hiện dân chủ, phải có tiền kỳ và hậu kỳ; chế tài đảm bảo, dân chủ đi đôi với kỷ cương, phải có chế tài xử lý…
Tham gia thảo luật về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông cho rằng: Luật Phòng chống bạo lực gia đình qua 13 năm thực hiện đã phát sinh những bất cập, hạn chế nên việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết và cấp thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) lần này cần xác định rõ hơn đối tượng áp dụng của luật.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông thảo luật về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) |
Tại khoản 1 điều 3 đưa ra khái niệm về các hành vi bạo lực gia đình gồm: cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình. Mặc dù chúng ta đã đưa các đối tượng áp dụng rộng hơn nhưng không phù hợp. Đại biểu đề nghị tại khoản 1 điều 3 cần phải có quy định cụ thể đối với các hành vi bạo lực gia đình. Chung quy lại, hành vi bạo lực gia đình ở đây gồm có bốn hành vi chính đó là: bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về thể chất và bạo lực về tình dục. Chúng ta thấy rằng đối với kinh tế thì chúng ta có thể điều tra và khảo sát được. Nhưng các hành vi bạo lực còn lại, việc điều tra, xác minh, tham mưu hình thức phòng, chống là rất khó khăn.
Tham gia thảo luật về dự án luật này, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng về vấn đề kinh phí, trong điều 50 của dự thảo luật, trong đánh giá tác dụng mới chỉ nêu chung chung. Về vấn đề tổ chức tại điều 47, mô hình tổ chức cộng đồng. Dự thảo luật đưa ra mục tiêu thành lập 100 nghìn nhóm phòng chống bạo lực gia đình nhưng không đưa ra phương án bố trí ngân sách như thế nào…
Theo Báo Đắk Nông Điện tử