Người dân sơ tán khỏi Irpin, Ukraine. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Chỉ trong 1 ngày 7/4, tại thủ đô Brussels (Bỉ) diễn ra tới 2 hội nghị thượng đỉnh và một cuộc họp cấp ngoại trưởng. Cả 3 sự kiện, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều xoay quanh chủ đề cuộc khủng hoảng ở Ukraine - điều cho thấy sức nóng của vấn đề cả trên thực địa lẫn ở các nước liên quan.
Cũng trong tuần qua, nhiều nước châu Âu gồm: Italy, Đức, Pháp… đã tuyên bố trục xuất 206 nhân viên ngoại giao Nga. Cùng với hơn 100 nhà ngoại giao Nga đã bị nhiều nước phương Tây trục xuất kể từ sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2, tổng số nhà ngoại giao Nga không được các nước phương Tây chào đón, tính đến thời điểm hiện tại đã lên tới con số hơn 325 người. Trong bối cảnh phương Tây đang có động thái gia tăng sức ép nhằm vào Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine thì con số này dự báo sẽ còn chưa dừng lại.
Tuy nhiên, bên cạnh những diễn biến phức tạp trên thực địa và bàn đàm phán, cơ hội giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine qua con đường ngoại giao vẫn còn chưa khép lại cùng với những tuyên bố thiện chí từ các bên liên quan.
Ngày 9/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố nước này vẫn sẵn sàng tiếp tục đàm phán để tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột với Nga.
Ngày 6/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko khẳng định Nga mong muốn duy trì quan hệ ngoại giao với các nước phương Tây, ngay cả khi những nước này trục xuất một số lượng lớn các nhân viên ngoại giao của Moscow. Nga đang đánh giá quyết định của các nước châu Âu và sẽ đáp trả các vụ trục xuất này, song vẫn bảo lưu quan điểm ủng hộ các kênh ngoại giao đang mở.
Ngày 8/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ Moscow hy vọng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine có thể hoàn tất trong tương lai gần. Ông lưu ý chiến dịch vẫn tiếp diễn và đang đạt được các mục tiêu, song song với thúc đẩy tiến trình đàm phán với Ukraine. Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev là không hề dễ dàng, nhưng Nga sẽ tìm cách đạt được tất cả các nhiệm vụ đề ra.
Nhiều nước thận trọng trước các biến thể mới của SARS-CoV-2
BA.2 chiếm tới 86% số ca mắc COVID-19 hiện nay. Ảnh: AP |
Hiện biến thể siêu lây nhiễm Omicron đã đạt đỉnh tại nhiều quốc gia và cuộc sống bình thường đang dần quay trở lạị. Tuy nhiên, trong tuần qua, nhiều nước vẫn thực hiện nhiều biện pháp thận trọng trước diễn biến khó lường của dịch bệnh cùng sự xuất hiện của nhiều biến thể mới của SARS-CoV-2.
Tại Mỹ, số ca nhiễm mới và số người nhập viện đã giảm hơn 90% kể từ đỉnh dịch do biến thể Omicron gây ra vào tháng Giêng. Trong tuần qua, có những ngày số ca nhập viện đã ở mức thấp nhất từ năm 2020, vì vậy tới thời điểm này tại Mỹ, đa số các quy định phòng chống dịch đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, trước sự xuất hiện của nhiều biến thể mới như BA.2, XD, XF và XE, các nhà chức trách Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp thận trọng, thông qua việc tiếp tục coi vaccine là phương pháp phòng dịch chủ yếu. Mới đây, Chính phủ Mỹ cũng đã thông qua gói chống dịch bổ sung trị giá 10 tỷ USD, để sẵn sàng đối phó với các biến chủng có thể xuất hiện trong tương lai và cải thiện cơ sở hạ tầng y tế. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, BA.2 hiện chiếm hơn 70% các ca nhiễm COVID-19 và có khả năng thay thế hoàn toàn các biến thể khác trong 2 tuần tới.
Kết quả phân tích của một số bệnh viện tại Nhật Bản cho thấy biến thể dòng phụ BA.2 của Omicron đang lây lan mạnh tại Nhật Bản, với các triệu chứng nặng hơn Omicron gốc, đặt ra lo ngại về nguy cơ lây lan ở người cao tuổi bị cho là dễ mắc biến chứng nặng. Theo kết quả phân tích của bệnh viện Đại học y khoa Tokyo, khoảng 80% bệnh nhân COVID-19 nhập viện này được xác định là nhiễm biến thể BA.2.
Cũng trong tuần qua, Tiến sĩ Ridhwaan Suliman thuộc Hội đồng nghiên cứu khoa học và công nghệ (CSIR) của Nam Phi nhận định một biến thể mới với tên gọi Deltacron (sự kết hợp giữa biến thể Delta và Omicron) đã xuất hiện tại Nam Phi và có thể sẽ gây ra làn sóng dịch COVID-19 thứ 5 vào cuối tháng Tư hoặc tháng Năm tới ở nước này.
Nước Pháp bầu cử Tổng thống nhiệm kỳ mới
Hình ảnh các ứng cử viên trong bầu cử Tổng thống Pháp 2022. Ảnh: VOV. |
Sáng 10/4, gần 50 triệu cử tri Pháp sẽ tham gia cuộc bầu cử tổng thống ở nước này. Hội đồng Hiến pháp của Pháp đã xác nhận quyền ứng cử của 12 người, trong số đó có Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron; đại diện Đảng cực hữu "Tập hợp Quốc gia", bà Marine Le Pen.
Cho đến thời điểm này, công tác hậu cần chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp đã hoàn tất. Trước đó, Bộ Nội vụ Pháp đã công bố các quy định y tế tại các điểm bỏ phiếu nhằm tạo thuận lợi cho các cử tri tới các điểm bỏ phiếu.
Các cuộc điều tra dư luận cho thấy đến thời điểm này, Tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron vẫn dẫn đầu, nhưng với khoảng cách khá sít sao so với ứng viên cực hữu thuộc đảng Tập hợp Quốc gia (Rassemblement national), Marine Le Pen.
Cách xa hơn là ứng cử viên cánh tả, ông Jean-Luc Melenchon. Các ứng viên khác như ông Eric Zemmour, bà Valérie Pécresse, hay ông Fabien Roussel, cũng là những gương mặt nổi trội, trong tổng số 12 gương mặt tranh cử của vòng bầu cử đầu tiên này.
Nếu không có gì thay đổi, kết quả ban đầu cuộc Tổng thống Pháp năm nay sẽ có vào đêm 10/4. Trong trường hợp không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu tuyệt đối trong vòng bầu cử đầu tiên, hai ứng cử viên nhận được số phiếu cao nhất sẽ tiếp tục tiến vào vòng bầu cử thứ hai diễn ra vào ngày 24/4.
Nhật Bản, Philippines phản đối mọi tuyên bố chủ quyền hàng hải phi pháp
Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng của Nhật Bản và Philippines tham dự cuộc đối thoại an ninh theo hình thức ''2+2'' tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 9/4. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 9/4, các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng của Nhật Bản và Philippines đã ra tuyên bố chung sau đối thoại an ninh theo hình thức "2+2," trong đó bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Đối thoại an ninh "2+2" đầu tiên giữa Nhật Bản và Philippines đã diễn ra tại Tokyo. Tham dự cuộc đối thoại, về phía Nhật Bản có Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, trong khi Ngoại trưởng Teodoro Locsin và Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana đại diện cho Philippines.
Trong tuyên bố chung sau cuộc họp, các bộ trưởng hai nước cùng bày tỏ phản đối mọi tuyên bố chủ quyền hàng hải không có cơ sở pháp lý, mọi hoạt động quân sự hóa, các hoạt động mang tính cưỡng ép, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên Biển Đông. Các bộ trưởng cũng cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể liên quan quốc phòng và kinh tế.
Hai bên nhất trí tăng cường nỗ lực nhằm thiết lập hòa bình và ổn định để hiện thực hóa mục tiêu vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Nhật Bản và Philippines kêu gọi thúc đẩy hợp tác để đảm bảo an ninh kinh tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo trật tự kinh tế dựa trên luật pháp quốc tế.
Armenia, Azerbaijan nhất trí đàm phán về Nagorny-Karabakh
Binh sỹ Armenia tại khu vực gần biên giới Armenia-Azerbaijan. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo hãng tin Reuters của Anh, ngày 6/4, tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Armenia đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tại Brussels (Bỉ) cho biết Yerevan và Baku đã nhất trí tổ chức những cuộc hòa đàm về tranh chấp lãnh thổ.
Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý thiết lập một ủy ban chung để phân định đường biên giới, có trách nhiệm giải quyết các vấn đề về đảm bảo an ninh và ổn định tại khu vực này.
Tuyên bố nhấn mạnh: "Thủ tướng Armenia và Tổng thống Azerbaijan đã yêu cầu các ngoại trưởng bắt đầu công tác chuẩn bị cho những vòng hòa đàm giữa hai nước." Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cũng tham dự cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này.
Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp người đồng cấp Armenia Ararat Mirzoyan, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 8/4 tuyên bố không có trở ngại trong việc thành lập một ủy ban phụ trách việc phân định biên giới giữa Armenia và Azerbaijan. Theo ông Lavrov, Nga sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực giữa Yerevan và Baku nhằm tạo điều kiện cho việc ký hiệp ước hòa bình. Ông cho biết thêm Nga cam kết giúp Armenia và Azerbaijan "trở lại cuộc sống bình thường."
Trước đó, ngày 5/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với Tổng thống Azerbaijan Aliyev và Thủ tướng Armenia Pashinyan, kêu gọi hai bên giảm căng thẳng trong khu vực./.
Theo dangcongsan.vn