TIN TỨC DÀNH CHO DOANH NGHIỆP
Sáng ngày 17/1/2018, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Ngọc Anh - TUV, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng đại diện các Sở, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông |
Theo đánh giá tại hội nghị, nhìn chung, tất cả các lĩnh vực của ngành LĐTB&XH trong năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện bước tiến mới so với năm 2016. Trong đó, an sinh xã hội được bảo đảm, công tác giảm nghèo đi vào thực chất với các hoạt động thiết thực; công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội được tăng cường. Việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển thị trường lao động, chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn, vệ sinh lao động được tiến hành với nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn. Công tác đền ơn đáp nghĩa, bình đẳng giới, hợp tác quốc tế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí… đều được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực.
Đặc biệt, trong năm, ngành đã tập trung thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và đã hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao như: Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,18%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 56%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 22,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm khoảng 1,35% (trong đó, các huyện nghèo giảm khoảng 5%).
Năm 2018, Ngành LĐTB&XH quyết tâm thực hiện mục tiêu "Tiếp tục hoàn thiện, phát triển thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cải thiện, nâng cao mức sống người có công, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội, thực hiện dân chủ và công bằng xã hội". Theo đó, toàn ngành phấn đấu hoàn thành một số chỉ tiêu trọng tâm, trong đó có các chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao như: Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58 - 60% (trong đó, có bằng/chứng chỉ là 23 - 23,5%); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5% (trong đó, các huyện nghèo giảm 4%); và một số chỉ tiêu kế hoạch của ngành đặt ra như: Giải quyết việc làm cho 1.600 nghìn người lao động; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động đạt 26,5 - 28%; tuyển mới giáo dục nghề nghiệp khoảng 2,2 triệu người; tốt nghiệp học nghề theo các trình độ đào tạo khoảng 2.132 nghìn người; 99% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 100% các đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Phát biểu tại hội nghị, cùng với đánh giá cao kết quả mọi mặt công tác của ngành LĐTB&XH trong năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu một số tồn tại, bất cập đề nghị ngành cần khắc phục và cải thiện trong thời gian tới như: Tỷ lệ thất nghiệp còn cao, nhất là số sinh viên tốt nghiệp ở nhiều nơi chưa có việc làm. Quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài còn hạn chế. Tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội còn thấp. Giảm nghèo chưa bền vững. Một số vấn đề như bạo hành trẻ em, đuối nước ở trẻ em còn gây bức xúc xã hội...
Về các nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới, bên cạnh triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành LĐTB&XH tăng cường quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu lao động có thu nhập cao; tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo. Cần nâng dần tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, bạo hành đối với trẻ em, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tiếp tục cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, giảm và loại bỏ những thủ tục rườm rà, chồng chéo đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân. Đối với việc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến những người nghèo, người có công, người cô đơn, người không có nơi nương tựa, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, người lao động ở khu vực công nghiệp, người ở công trường, bệnh viện…
Sam Nguyễn