TIN TỨC DÀNH CHO DOANH NGHIỆP
Chiều 19/12, tại thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017. Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đồng chí Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Điểu K’ré, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên.
Toàn cảnh hội nghị |
Theo báo cáo tại hội nghị, trong năm 2017, mặc dù tình hình vùng Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực của các địa phương trong quản lý, điều hành, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội, kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên tiếp tục đạt được những kết quả tích cực: Tổng giá trị sản phẩm GRDP trên địa bàn năm 2017 ước đạt 165.472 tỷ đồng, tăng 8,09%; cơ cấu GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực. GDP bình quân đầu người năm 2017 đạt gần 41,6 triệu đồng, tăng 5,02%.
Bên cạnh đó công tác thực hiện chính sách dân tộc của các địa phương đã được quan tâm chi đạo thực hiện, cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ thị trường, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bước đầu phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp hoạt động tương đối ổn định và tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh. Cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế các tuyến cơ bản đáp ứng nhu cầu về khám và chữa bệnh cho nhân dân.
Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, tính đến tháng 11/2017 toàn vùng có 18.589 chi bộ. Trong tổng số 218.489 đảng viên toàn vùng, có 18,41% đảng viên là người DTTS; 3,19% đảng viên là người có đạo và 33,67% đảng viên nữ; có 99,89% buôn, làng có chi bộ và 99,85% thôn buôn có đảng viên là người tại chỗ.
Tuy đạt được những kết quả tích cực, song kinh tế Tây Nguyên vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức: tăng trưởng chưa thực sự bền vững, vẫn còn thấp so với tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng; chất lượng của nền kinh tế chưa cao, thiếu ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng; chưa thực sự tạo được sự gắn kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất, giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm, giá cả một số mặt hàng chủ lực không ổn định và giảm mạnh gây bất lợi đã tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp. Công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, tình trạng vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn diễn ra phức tạp, số vụ chặt phá rừng vẫn còn cao, diện tích rừng bị chặt phá còn lớn.
Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Đề xuất Bộ Chính trị sơ kết về việc thực hiện Kết luận số 12, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị (khóa IX) về "Phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020"; tiếp tục đề xuất các cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực phục vụ kết nối cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và vùng phụ cận, thu hút đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực, có lợi thế gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chăn nuôi đại gia súc, dịch vụ du lịch.
Tập trung xử lý có hiệu qủa vấn đề đất đai, chống phá rừng, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tập trung thực hiện một cách có hiệu quả. Các bộ, ngành chức năng, các tỉnh Tây Nguyên cần khẩn trương đánh giá thực trạng sở hữu đất đai trên địa bàn; điều chỉnh bổ sung hoàn thiện quy hoạch đất lâm nghiệp; kế hoạch sắp xếp lại nông lâm trường, giải quyết đất cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo để phát triển sản xuất. Tập trung xử lý vụ tranh chấp, khiếu khiện về đất đai không để phức tạp thành "điểm nóng" về an ninh, trật tự. Tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; nhất là thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, ngăn chặn tình trạng phá rừng, thúc đẩy tiến độ khôi phục rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đ/c Điểu K'ré - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên báo cáo tại hội nghị |
Tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa - xã hội, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vừng; quan tâm chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người cao tuổi. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương, chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển kinh tế cho hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc tiểu số, miền núi. Nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa; quan tâm đến đào tạo cử tuyển gắn với giải quyết việc làm cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
Đ/c Lê Diễn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông phát biểu ý kiến tại hội nghị |
Thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tỉnh ủy, các tỉnh Tây Nguyên đang nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể thực hiện tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên ở những địa bàn trọng điểm, khó khăn, phức tạp, nâng cao chất lượng đào đội ngũ cán bộ công chức người dân tộc thiểu số cấp xã trong vùng Tây Nguyên.
Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định an ninh, an toàn phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống về mọi mặt của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Trao, tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên" |
Nhân dịp này, 75 cá nhân có đóng góp cho sự phát triển khu vực Tây Nguyên đã được nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp phát triển Tây Nguyên"
Tấn Lê