TIN TỨC DÀNH CHO DOANH NGHIỆP
Thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy và Chương trình số 10 của Thị ủy Gia Nghĩa về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hiện nay, trên địa bàn phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) đã có nhiều mô hình sản xuất mang lại kinh tế cao.
Điển hình, hiện nay trên địa bàn phường có 6 hộ dân trồng rau trong nhà lồng, nhà kính, mỗi hộ khoảng 1.000 m2 - 2.000 m2. Gia đình ông Trần Văn Chủng ở tổ dân phố 3 là một trong những hộ dân đầu tiên trồng rau trong nhà lồng. Năm 2014, sau khi tham gia các lớp tập huấn do Hội nông dân tổ chức và Phòng Nông nghiệp-PTNT thị xã hỗ trợ vốn, gia đình ông đã đầu tư làm nhà lồng trồng các loại rau như cải, xà lách, tần ô, cà chua, rau thơm… Chỉ với 1.000 m2 rau xanh trồng trong nhà lồng, mỗi tháng gia đình thu về khoảng 10 triệu đồng từ tiền bán rau.
Ông Chủng chia sẻ: "Do đặc điểm thời tiết Gia Nghĩa có 2 mùa mưa, nắng rõ rệt, nhất là vào mùa mưa, nếu trồng ngoài tự nhiên rau khó phát triển, thường bị úng nên năng suất không cao. Từ khi làm nhà lồng đến nay, gia đình đã chủ động được việc sản xuất rau. Gia đình cũng đầu tư thêm hệ thống tưới nước phun sương nên năng suất tăng lên gấp đôi so với trồng ngoài tự nhiên. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rau trong nhà lồng, những năm tiếp theo gia đình đang tính mở rộng thêm diện tích".
Sau khi học tập các mô hình trên địa bàn phường và các địa phương, năm nay, gia đình anh Mai Lâm Tới ở tổ dân phố 3 đã mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây dựng 1.000 m2 nhà kính trồng rau xanh theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Anh Mai Lâm Tới ở tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) trồng cà chua trong nhà kính đạt năng suất cao gấp nhiều lần so với trồng ngoài tự nhiên |
Anh Tới chia sẻ: "Sau 1 năm trồng các loại rau cải, rau thơm, cà chua, ớt chuông, cà tím..., tôi nhận thấy trồng rau trong nhà kính đạt năng suất cao và ít bị sâu bệnh. Qua thực tế thí điểm trồng ớt chuông và cà chua, gia đình sử dụng tưới phun sương và bạt phủ ni lông cho thấy năng suất cao gấp 3-4 lần so với trồng ngoài tự nhiên và đem lại kinh tế cao. Hiện nay, gia đình chỉ trồng ớt chuông và cà chua".
Phường Nghĩa Đức cũng có 2 hộ tổ chức chăn nuôi heo theo hướng an toàn sinh học và khép kín. Điển hình, gia đình ông Vũ Huy Tưởng ở tổ dân phố 4 mỗi năm nuôi khoảng 1.000 con heo thịt nhưng vẫn bảo đảm môi trường xung quanh. Một số hộ thí điểm nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đạt hiệu quả cao và đang được nhân rộng.
Các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu cũng được nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trên địa bàn phường hiện có 750 ha cà phê, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà năng suất đã tăng lên, bình quân tăng từ 2,5 tấn/ha lên 3,2 tấn/ha trước.
Theo ông Nguyễn Trường Chinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghĩa Đức, bám sát chủ trương chung, với vai trò của mình, Hội Nông dân phường đã đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân. Sau một thời gian triển khai, điều đáng nói nhất là phần lớn nông dân đã biết thay đổi tư duy làm ăn, mạnh dạn đầu tư mua sắm phương tiện, máy móc, công nghệ mới để phục vụ sản xuất. Bà con cũng từng bước chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Nông dân phường Nghĩa Đức sử dụng máy xay cà phê tươi để phơi nhanh khô và nâng cao chất lượng sản phẩm |
Đáng chú ý, hiện nay nhiều hộ nông dân đã chú trọng đưa cơ giới, phương tiện máy móc hiện đại vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa giảm bớt công lao động vừa tiết kiệm nhiều chi phí liên quan. Ví dụ như nhiều hộ trồng cà phê áp dụng tưới béc, tưới nước nhỏ giọt nên tiết kiệm nước mà lại hiệu quả cao hơn hẳn so với cách tưới truyền thống. Cây cà phê được rửa sạch các loại nấm bệnh, rêu, kiến, sâu bệnh và hoa nở đều, giữ được trái trong mùa nắng.
Không những năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao mà thu nhập của bà con cũng tăng lên gấp đôi trở lên. Vì vậy, vấn đề chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao đang được phường tiếp tục quan tâm, chú trọng, để thúc đẩy sản xuất ngày càng hiệu quả, đi vào thực chất hơn nữa.
Theo Đăk Nông Online