TIN TỨC DÀNH CHO DOANH NGHIỆP
Vào hồi 16h00 ngày 9/11/2017, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện khẩn số 88/CĐ-TW, điện:
- Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường;
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, hiện nay một áp thấp nhiệt đới hoạt động trên vùng biển phía Đông miền Trung Philippin. Dự báo đến sáng ngày 10/11, áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông; có thể ảnh hưởng đến nước ta trong những ngày tới.
Để chủ động sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa, lũ lớn trong thời gian tới, trong bối cảnh hiện nay các hồ chứa đã đầy nước, nhiều hồ chưa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao chỉ đạo, thực hiện ngay một số nội dung sau:
1. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố:
- Phối hợp với chủ hồ tổ chức tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá nhanh hiện trạng an toàn các công trình đập, hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn địa phương quản lý;
- Cập nhật thường xuyên bản tin dự báo khí tượng thuỷ văn, các thông tin liên quan đến dự báo, vận hành hồ chứa để tính toán làm cơ sở tham mưu chủ động vận hành xả nước đón lũ, đặc biệt khu vực các tỉnh từ Thanh Hoá đến Khánh Hoà; tổ chức trực 24/24h, bổ sung các kịch bản ứng phó trong các tình huông khẩn cấp sát với thực tế.
- Khẩn trương huy động mọi nguồn lực khắc phục hậu quả mưa lũ, các hư hỏng, sự cố công trình hồ, đập trong đợt mưa lũ vừa qua để bảo đảm an toàn.
- Rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm để hoàn thiện các phương án phòng chống lũ hạ du, nhất là khu vực hạ đập có đông dân cư, khu đô thị, các công trình hạ tầng quan trọng,… sẵn sàng phương án sơ tán dân khi có tình huống khẩn cấp.
- Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với hồ chứa thuỷ lợi và Bộ Công Thương đối với hồ chứa thuỷ điện trước ngày 13/11/2017.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương:
- Chỉ đạo toàn diện công tác kiểm tra, đánh giá về an toàn hồ chứa thuộc phạm vi quản lý;
- Đề xuất phương án vận hành đảm bảo an toàn công trình, hạ du các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện thuộc quy trình liên hồ trong phạm vi quản lý theo đúng các quy trình vận hành liên hồ chứa được phê duyệt với các tình huống thuộc nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
- Đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện của các địa phương, báo cáo về Ban Chỉ đạo trước ngày 15/11/2017.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia theo dõi chặt chẽ, tăng cường các bản tin dự báo, cảnh báo sớm mưa lũ khu vực miền Trung để các Bộ, ngành, địa phương và người dân chủ động phương án ứng phó phù hợp.
4. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức trực ban, theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết; tổ chức tính toán, tham mưu đề xuất phương án chỉ đạo điều hành quy trình liên hồ chứa thuộc trách nhiệm của Ban Chỉ đạo; là đầu mối đôn đốc, tổng hợp báo cáo của các địa phương và Bộ, ngành.
5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường đưa tin về diễn biến mưa lũ, công tác đảm bảo an toàn hồ chứa, quy trình vận hành và phương án ứng phó trong các tình huống khẩn cấp để người dân biết, chủ động phòng tránh, triển khai thực hiện khi có tình huống.
6. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn./.
Theo dangcongsan.vn