TIN TỨC DÀNH CHO DOANH NGHIỆP
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều nay, 26/5, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận tổ về Dự thảo luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông chủ trì tổ 18 gồm đoàn đại biểu các tỉnh: Đắk Nông; Sơn La; Lai Châu và Cà Mau.
Đồng chí Ngô Thanh Danh phát biểu khai mạc phiên thảo luận tại tổ
Khai mạc buổi thảo luận tổ, đồng chí Ngô Thanh Danh nhấn mạnh: Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Thanh tra năm 2010 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013; mặt khác, qua quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Do vậy, việc sửa đổi Luật Thanh tra 2010 là cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về công tác thanh tra, trên tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức và hoạt động thanh tra, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 116 điều (trong đó bổ sung thêm 61 điều, sửa đổi 41 điều và lược bỏ 24 điều so với Luật Thanh tra 2010).
Đồng chí Ngô Thanh Danh đề nghị các đại biểu quan tâm nghiên cứu thảo luận sâu một số nội dung quan trọng như: Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính (Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện). Về việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và thành lập cơ quan thanh tra tại các cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác của Nhà nước.; thanh tra sở; các hình thức và trình tự, thủ tục thanh tra và các vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đối với Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2009. Ngay sau khi Luật được ban hành, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành đã ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh ra đời đã tạo hành lang pháp lý vô cùng quan trọng cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, đã góp phần chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của người dân, bảo đảm người dân được khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở đủ điều kiện; từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, tạo hành lang pháp lý để y học Việt Nam tiếp cận được các kỹ thuật mới, phương pháp mới, kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập. Những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết như: Về quản lý người hành nghề; quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; một số nội dung liên quan đến chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện bảo đảm cho công tác khám bệnh, chữa bệnh; một số quy định về thẩm quyền, thủ tục hành chính; thực tiễn công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.
Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gửi xin ý kiến lần này gồm gồm 12 chương và 106 điều, thêm 3 chương (chương VI, X, XI) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Đồng chí Ngô Thanh Danh đề nghị các đại biểu quan tâm nghiên cứu thảo luận một số nội dung quan trọng như: Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật (Điều 1); chính sách của Nhà nước về KCB (Điều 4); chức danh nghề nghiệp phải có GPHN (Điều 18) và điều kiện cấp GPHN (Điều 19). Các đại biểu cần thảo luận, làm rõ hơn về sử dụng ngôn ngữ trong KCB của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam (Điều 24); thẩm quyền cấp GPHN (Khoản 1 Điều 26) và thời hạn của GPHN (Điều 27); hệ thống tổ chức cơ sở KCB (Điều 86). Các đại biểu cũng cần tập trung thảo luận về điều kiện cấp GPHĐ (Điều 44); đánh giá và chứng nhận chất lượng đối với cơ sở KCB (Điều 50); xã hội hóa công tác KCB (Điều 90); giá dịch vụ KCB (Điều 91) và các nội dung khác mà đại biểu quan tâm.
Theo Báo Đắk Nông