TIN TỨC DÀNH CHO DOANH NGHIỆP
Trong tháng 8/2021, dịch COVID-19 trong nước có những diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những văn bản chỉ đạo quyết liệt về phòng, chống dịch COVID-19; xuất hơn 134.000 tấn gạo cho 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19; xem xét điều chỉnh giảm giá cước viễn thông, giá nước sạch sinh hoạt; giảm tiền điện cho 3 nhóm doanh nghiệp khó khăn do COVID-19;...
Nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19 tại những địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng
* Cụ thể, tại văn bản hỏa tốc số 5258/VPCP-KGVX ngày 1/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ động, khẩn trương hơn nữa trong việc chỉ đạo tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực điều trị, hồi sức cấp cứu trên phạm vi cả nước; căn cứ yêu cầu và khả năng đáp ứng chung trên bình diện toàn quốc, triển khai ngay phương án điều động, chi viện kịp thời cho các địa phương đang có nhiều ca lây nhiễm, bệnh nặng.
* Ngày 5/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1068/CĐ-TTg về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Tiếp theo ngày 16/8/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1081/CĐ-TTg về phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: UBND các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động quyết định việc tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị số 16 trên địa bàn toàn tỉnh, thành phố.
* Ngày 6/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV.
Nghị quyết đưa ra các giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch. Trong đó, về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ phải quán triệt nghiêm "chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10", bảo đảm chặt chẽ, thực chất. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc "chặt ngoài, lỏng trong". Kể từ ngày bắt đầu giãn cách: Trong thời hạn 14 ngày phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các "vùng xanh"; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển "vùng vàng" thành "vùng xanh", "vùng cam" thành "vùng vàng" và khoanh chặt, thu hẹp "vùng đỏ"; trong thời hạn 28 ngày phải kiểm soát được tình hình trên địa bàn, phải cô lập được các "vùng đỏ" ở phạm vi hẹp nhất.
* Tại văn bản 5473/VPCP-KGVX ngày 10/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu, chỉ đạo việc cấp phép và sử dụng vaccine Nanocovax theo hướng giảm bớt quy trình, thủ tục hành chính, nhưng phải bảo đảm chặt chẽ theo quy định và thẩm quyền. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về chất lượng, tính an toàn vaccine Nanocovax khi được cấp phép.
* Theo Thông báo 213/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp ngày 12/8/2021 về nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống COVID-19 trong nước, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong thời gian vừa qua "đã cố gắng rồi nhưng phải cố gắng hơn nữa; đã quyết tâm rồi nhưng phải quyết tâm hơn nữa; đã nỗ lực rồi nhưng phải nỗ lực hơn nữa", tiếp tục cùng nhau phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả vì mục tiêu chung là Việt Nam chúng ta phải có vaccine sản xuất trong nước sớm nhất có thể, kịp thời đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của người dân và bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân.
* Nghị quyết phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình KTXH tháng 7 và 7 tháng năm 2021 ban hành ngày 12/08/2021.
Theo đó, hưởng ứng mạnh mẽ Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ với mục tiêu ưu tiên cao nhất là nhanh chóng kiểm soát dịch COVID-19 tại những địa phương đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống cho người dân. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả "mục tiêu kép", duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh ở những nơi bảo đảm an toàn dịch bệnh; đồng thời tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, đời sống của nhân dân.
* Ngày 13/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác.
Tổ công tác có nhiệm vụ xúc tiến, vận động viện trợ vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 từ các đối tác song phương và đa phương; tìm kiếm, hỗ trợ, thúc đẩy triển khai và đôn đốc việc đàm phán, nhập khẩu, tiếp nhận vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc phòng, chống dịch bệnh COVID-19…
* Tại văn bản 5732/VPCP-KGVX ngày 19/8/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bảo đảm an toàn trong từng khâu của toàn bộ hệ thống cung ứng, phân phối, đặc biệt các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa lưu chuyển liên tỉnh.
* Ngày 22/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 1099/CĐ-TTg về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ" trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu ở đó", cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường.
Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ cao nhất về nhân lực, vật lực y tế, lực lượng quân đội, công an và các lực lượng cần thiết khác của Trung ương, các địa phương cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Thần tốc xét nghiệm diện rộng (riêng Thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm toàn Thành phố trong thời gian giãn cách xã hội) để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0.
* Ngày 23/8/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Công điện số 1102/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc.
Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, nhất là ở một số xã, phường, thị trấn. Các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương khắc phục các hạn chế, yếu kém, tổ chức thực hiện quyết liệt hơn, nghiêm hơn, hiệu quả hơn các giải pháp: Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu; bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu; vaccine, thuốc điều trị là chiến lược; bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng.
* Ngày 27/8/2021, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1105/CĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo công an tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường rà soát, thu dung người "lang thang, cơ nhỡ" trên địa bàn để xét nghiệm, phân loại, đưa vào các cơ sở trợ giúp xã hội hoặc tổ chức quản lý để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
* Ngày 31/8/2021, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1108/CĐ-TTg về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Công điện nêu rõ, thời gian nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 4 ngày, dễ làm gia tăng các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Rút kinh nghiệm từ kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát huy tinh thần trách nhiệm với mục tiêu tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân; tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, có hiệu quả cao các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn,..
* Ngày 25/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 1438/QĐ-TTg kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. Theo Quyết định, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo.
* Ngày 28/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã ký Quyết định số 84/QĐ-BCĐ về việc ban hành Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo).
* Theo Thông báo số 228/TB-VPCP ngày 31/8/2021 kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với tập thể lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể phối hợp chặt chẽ, "chung lưng đấu cật" cùng Chính phủ phòng, chống dịch COVID-19.
Xuất hơn 134.000 tấn gạo cho 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19
Tại Quyết định 1409/QĐ-TTg ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 4.117,8 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh: Bình Phước, Bạc Liêu, Sóc Trăng để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 năm 2021.
Tiếp theo, tại Quyết định 1415/QĐ-TTg ngày 20/8/2021, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 130.175,67 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 năm 2021, cụ thể: Tỉnh Đắk Lắk 534,390 tấn gạo; tỉnh Đắk Nông 577,110 tấn gạo; tỉnh Đồng Tháp 5.883,465 tấn gạo; tỉnh Tây Ninh 336,255 tấn gạo; tỉnh Cà Mau 2.862,330 tấn gạo; tỉnh Vĩnh Long 2.103,195 tấn gạo; tỉnh Long An 807 tấn gạo; tỉnh Kiên Giang 2.278,170 tấn gạo; tỉnh Trà Vinh 1.738,950 tấn gạo; tỉnh Khánh Hòa 2.000,010 tấn gạo; tỉnh Bình Dương 11.325 tấn gạo; tỉnh Bến Tre 2.408,265 tấn gạo; tỉnh Bình Định 1.000,500 tấn gạo; tỉnh An Giang 3.362,280 tấn gạo; tỉnh Nghệ An 341,100 tấn gạo; tỉnh Tiền Giang 3.006,225 tấn gạo; tỉnh Đồng Nai 3.128,505 tấn gạo; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2.283,495 tấn gạo; tỉnh Phú Yên 1.852,665 tấn gạo; TP. Đà Nẵng 1.630,635 tấn gạo; TP. Cần Thơ 5.015,490 tấn gạo; tỉnh Bình Thuận 4.018,485 tấn gạo; tỉnh Ninh Thuận 577,200 tấn gạo; TPHCM 71.104,950 tấn gạo.
Xem xét điều chỉnh giảm giá cước viễn thông, giá nước sạch sinh hoạt
Tại các văn bản văn bản số 5257/VPCP-KTTH, 5259/VPCP-KTTH ngày 1/8/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm xem xét và quyết định việc điều chỉnh giảm giá cước viễn thông để hỗ trợ cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, kéo dài như hiện nay; yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xem xét, điều chỉnh giảm giá nước sạch sinh hoạt, tiền sử dụng nước sạch sinh hoạt hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Giảm tiền điện cho 3 nhóm doanh nghiệp khó khăn do COVID-19
Ngày 28/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cụ thể, đối tượng hỗ trợ giảm tiền điện đáp ứng các điều kiện sau:
- Các khách hàng sử dụng điện: là các nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại thời điểm ngày 25 tháng 8 năm 2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và đang duy trì sản xuất trong các lĩnh vực sau: (i) Doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản; (ii) Doanh nghiệp chế biến và bảo quản rau quả; (iii) Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ đô la Mỹ.
- Mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc các đơn vị bán lẻ điện khác.
Về mức hỗ trợ giảm giá điện: Giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng trên.
Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là 03 tháng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 9 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 11 năm 2021.
Năm 2022, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi tối thiểu 15%
Theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 5/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả thực hiện và đổi mới cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, từ năm 2021 cho tới khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, tiếp tục thực hiện cơ chế quản lý tài chính, thu nhập gắn với đặc thù của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đối với dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2021, thực hiện tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với dự toán được giao năm 2020. Đối với dự toán năm 2022, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với dự toán năm 2021 (ngoài chi lương, các khoản đóng góp theo lương theo chế độ quy định) để tiết kiệm chi hoặc tăng thu ngân sách Nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp
Ngày 11/08/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc tổ chức lập quy hoạch tỉnh và tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030.
Đồng thời, các bộ, ngành khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch ngành có sử dụng đất; có trách nhiệm rà soát, xác định, đề xuất nhu cầu sử dụng đất và đề xuất các công trình, dự án có sử dụng đất của ngành, lĩnh vực theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 10 Bộ rà soát pháp luật tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh
Theo Công điện số 1079/CĐ-TTg ngày 14/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gửi 10 Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Công Thương; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên các nguồn lực cho công tác rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình.
Trong đó, tập trung cao nhất, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung ngay các quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tiễn, đang gây khó khăn, cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực: Đầu tư, quy hoạch, quản lý tài sản công, ngân sách Nhà nước, thuế, phí, xây dựng... quy định tại 29 luật thuộc lĩnh vực quản lý của 10 Bộ. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, bổ sung trong Đề nghị xây dựng luật sửa đổi các luật trước ngày 22/8/2021, Bộ Tư pháp trình Chính phủ trước ngày 30/8/2021 để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ hai (tháng 10/2021) cho ý kiến về dự án Luật này.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công
Tại Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún, kéo dài.
Có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Kết quả giải ngân dự án đầu tư công là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của tổ chức, cá nhân được phân công theo dõi và người đứng đầu các cấp chính quyền.
Sớm hoàn thành xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh
Tại Công điện số 1110/CĐ-TTg ban hành ngày 31/8/2021 về việc hoàn thành xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 11/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó chú trọng sớm hoàn thành việc xây dựng nội dung phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh gửi lấy ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Chính phủ sẽ trình Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) vào tháng 10 năm 2021, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia và chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch tỉnh, hạn chế việc điều chỉnh Quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/9/2021.
Sẵn sàng ứng phó với thiên tai
Ngày 31/8/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 1107/CĐ-TTg về việc sẵn sàng ứng phó với thiên tai.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức kiểm tra rà soát phương án ứng phó thiên tai cụ thể, phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể tại địa phương nhất là phương án di dời, sơ tán dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp; chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố để đảm bảo an toàn; sẵn sàng lực lượng phương tiện trang thiết bị theo phương châm "bốn tại chỗ" để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chú trọng công tác chỉ đạo vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện do địa phương quản lý, đảm bảo an toàn công trình và hạ du, nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác chủ động phòng, chống thiên tai trên địa bàn.
Phát triển lâm nghiệp thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại
Chính phủ ban hành Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 5/8/2021 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản.
Từ 1/8, áp dụng quy định mới về chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo
Theo Nghị định 77/2021/NĐ-CP ban hành ngày 1/8/2021 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo có hiệu lực từ ngày 1/8/2021, nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%.
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai
Ngày 01/08/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 78/2021/NĐ-CP thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai; trong đó quy định cụ thể về thành lập và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai, nguồn tài chính, nội dung chi, đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp, quy trình điều tiết, công khai thông tin và thanh quyết toán Quỹ phòng, chống thiên tai.
Quy định mới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo
Ngày 26/08/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó quy định hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
Nghị định quy định cụ thể nội dung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo gồm: Hỗ trợ sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung; hỗ trợ tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ thực hiện các thủ tục về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ công nghệ; hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu; hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo.
Các tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí khi thiên tai, dịch bệnh
Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/8/2021, khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố; tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.
Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm chế biến thủy sản
Theo Quyết định 1408/QĐ-TTg ban hành ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 nhằm phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản và đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Đề án phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40% (trong đó, tôm đạt 60%, cá tra đạt 10%, cá ngừ đạt 70%, mực và bạch tuộc đạt 30%, thủy sản khác đạt 30%).
Thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân
Ngày 29/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Quyết định 1447/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng Tổ công tác.
Tổ công tác có nhiệm vụ chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, có tính chất liên vùng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương được thành lập tại Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ để cùng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề có liên quan;…
Phê duyệt Đề án đào tạo nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Ngày 30/8/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính ban hành Quyết định số 1446/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là đào tạo các ngành nghề mới và các kỹ năng nghề mới cho ít nhất 20 ngành, nghề ở trình độ cao đẳng và trung cấp ưu tiên cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Số lượng người học được đào tạo ít nhất ở mỗi ngành, nghề/trình độ là 120 người. Tổng số người học tham gia đào tạo thí điểm khoảng 4.800 người.
Đào tạo lại nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho ít nhất 300.000 lượt người với thời gian đào tạo, bồi dưỡng dưới 1 năm; xác định ngành, nghề đào tạo, kỹ năng nghề và mô hình đào tạo mới trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm thích ứng với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân./.
Theo chinhphu.vn