TIN TỨC DÀNH CHO DOANH NGHIỆP

Gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, cần được củng cố…
Ngày đăng 28/06/2021 | 15:09  | View count: 18207

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã nói: "Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt". Văn kiện Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về trẻ em năm 2002 đã ghi nhận: Gia đình là đơn vị cơ bản của xã hội, cần được củng cố... Không có gia đình tốt, không thể có xã hội tốt.

Gia đình là giá trị thiêng liêng của mỗi người Việt Nam, là nơi mỗi cá nhân được che chở, yêu thương, là tổ ấm, là tế bào của xã hội; là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người; là nơi bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi quốc gia, dân tộc muốn tồn tại và phát triển đều phải lấy gia đình làm gốc, phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.

Tỉnh đoàn phối hợp với Hội phụ nữ, Sở  VHTT&DL tổ chức cuộc thi viết về mái ấm gia đình

 

Chính vì tầm quan trọng đó của gia đình, ngày 04.5.2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/QĐ/2001/QĐ-TTg chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Gia đình Việt Nam luôn gắn liền với sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam, những chuẩn mực giá trị tốt đẹp luôn được gia đình chắt lọc, vun đắp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu, như: Yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. 

Đất nước bước vào thời kỳ mới, mở cửa và hội nhập sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định. Kinh tế phát triển, đời sống văn hóa, xã hội của mỗi cá nhân và gia đình được nâng lên. Những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam đang được cả thế giới biết đến. Nhưng, mặt trái của nền kinh tế thị trường; sự du nhập của một số yếu tố văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc đang ngày càng tác động mạnh đến gia đình Việt Nam. Làm cho cấu trúc và quan hệ gia đình Việt Nam có những thay đổi, thậm chí có những thay đổi có thể làm mai một truyền thống. Sự ích kỷ, lối sống thực dụng cá nhân; các sản phẩm phản văn hóa, đồi trụy, kích động bạo lực du nhập ngày càng nhiều, đặc biệt là trên môi trường internet nơi người trẻ bị tác động mạnh nhất…

Để bảo vệ các "tế bào" của xã hội trước yếu tố xấu, độc, nhằm xây dựng các "tế bào" thật sự khỏe mạnh để có một xã hội tốt, thiết nghĩ cần một số giải pháp sau:

Thứ nhất, phải thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Một gia đình tốt là một gia đình mà trong đó các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ những khó khăn trong công việc, nam nữ bình đẳng. Phải đề cao và tôn trọng người phụ nữ". Nền tảng để có một "tế bảo" tốt là sự yêu thương giữa các thành viên trong gia đình; giữa vợ - chồng phải tôn trọng lẫn nhau, con cái cũng cần có sự tôn trọng từ bố mẹ; anh, chị, em… phải hòa thuận. Phải không còn tư tưởng trọng nam khinh nữ; người phụ nữ luôn có vai trò quan trọng trong gia đình, là người giữ lửa của mỗi gia đình.

Thứ hai, bữa cơm gia đình rất quan trọng: Từ bữa cơm gia đình dạy cho trẻ "ăn trông nồi, ngồi trông hướng". Câu nói đơn giản nhưng chứa đựng bao nét đẹp gia phong, nét đẹp truyền thống. Khi các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm cũng là lúc tình cảm gia đình được gắn kết, mọi thành viên trong gia đình có dịp hiểu về nhau hơn. Ông bà, cha mẹ trao truyền cho con cháu những chuẩn mực đạo đức trong gia đình, họ tộc và những kinh nghiệm của cuộc sống. Ngày nay nhiều gia đình (đặc biệt là gia đình ở các đô thị, khu công nghiệp) ít có cơ hội đoàn tụ trong những bữa cơm hàng ngày. Chính vì vậy, Nhà nước cần có những chính sách, cuộc vận động… để Ngày gia đình Việt Nam (28/6) là ngày hội sum vầy thực sự của mỗi gia.

Thứ ba, cần phải tăng thời lượng và tầm quan trọng của giáo dục về vài trò của gia đình, chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam trong các cấp học. Khi cả gia đình và nhà trường cùng phối hợp để rèn luyện người con, người học trò thì xã hội sẽ có được một công dân tốt.

Thứ tư, đề ra các giải pháp để hạn chế sự đổ vỡ của gia đình trong hôn nhân. Trong khảo sát hộ gia đình của năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ ly hôn của các gia đình Việt Nam tăng lên so với cùng kỳ năm 2009 (tỷ lệ này tăng lên từ 1,4% lên 2,1%) và theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn. Một gia đình đổ vỡ khi đó xã hội có một "tế bào" không còn khỏe mạnh. Khi có nhiều "tế bào" không khỏe mạnh xã hội sẽ có nhiều hệ lụy.  Phải có nhiều giải pháp hơn nữa để đưa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015 vào trong cuộc sống của người dân. Ví dụ như: Xứ lý thật nghiêm minh tổ chức cá nhân vi pháp phát luật về hôn nhân và gia đình; nam, nữ trước khi đăng ký kết hôn phải được tìm hiều về Luật Hôn và gia đình, được trang bị những kiến thức về gia đình, kỹ năng chăm sóc con.


Bài, ảnh: Lê Hùng