TIN TỨC DÀNH CHO DOANH NGHIỆP
Trong những tháng đầu năm 2017, tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách tỉnh Đắk Nông tiếp tục có chuyển biến tích cực, tuy nhiên hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực vẫn còn gặp khó khăn. Do vậy, để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước và giữ vững cân đối ngân sách địa phương theo dự toán được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan về việc tăng cường các giải pháp điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách địa phương những tháng cuối năm 2017.
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, ngành, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ sau:
Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chủ yếu về tài chính - ngân sách đã được Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo. Đồng thời, nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2017; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 02/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017.
Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển giá; tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế để giảm số nợ thuế đến ngày 31/12/2017 xuống dưới 5% so với số thực thu ngân sách nhà nước năm 2017; phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2017 được giao để có nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ phát sinh. Trong đó, đẩy mạnh biện pháp quản lý thu liên quan đến đất đai, kinh doanh bất động sản, tài nguyên khoáng sản; tổ chức thanh tra, kiểm tra, chống thất thu đối với lĩnh vực khai thác tài nguyên, hoạt động vận tải, xây dựng tư nhân, cho thuê nhà nghỉ,…
Cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, đảm bảo quốc phòng - an ninh, ưu tiên thực hiện các chính sách an sinh, đảm bảo xã hội trên địa bàn, nhất là khoản chi cho con người. Các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị phải chủ động trong quản lý và điều hành ngân sách, đảm bảo chi đúng chế độ quy định, đúng mục tiêu đã được duyệt và có hiệu quả; tổ chức chi trong phạm vi dự toán ngân sách được giao, phù hợp với khả năng thu ngân sách và tiến độ một số nguồn thu gắn liền với dự toán chi đầu tư phát triển (thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết); hạn chế tối đa việc xin bổ sung dự toán, khi có nhiệm vụ phát sinh trong năm thì phải chủ động sắp xếp lại dự toán được giao để thực hiện. Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đẩy mạnh việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Khẩn trương thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền giao, khắc phục chậm trễ trong khâu nghiệm thu và thủ tục thanh toán vốn… Hạn chế tối đa việc ứng trước ngân sách nhà nước cho các công trình, dự án, trừ trường hợp thực sự cần thiết, cấp bách và phải cân đối bố trí nguồn để hoàn trả vốn ứng trước.
Tập trung triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020; đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn. Thực hiện các biện pháp giảm mức phí, chi phí đầu vào cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ chế hoạt động tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực gắn với thúc đẩy lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công theo kế hoạch của Chính phủ đã đề ra; cơ cấu lại ngân sách nhà nước chi cho các lĩnh vực này, tiến tới giảm bao cấp của ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập.
Các huyện, thị xã quản lý, sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói và một số nhiệm vụ cần thiết khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp thu ngân sách địa phương dự kiến giảm so với dự toán được giao và nguồn dự phòng không đủ để bù đắp, các huyện, thị xã phải chủ động xây dựng phương án điều hành để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương theo thứ tự ưu tiên: Một là, cân đối nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương (kết dư ngân sách) để bù đắp số giảm thu; Hai là, sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã đảm bảo nguồn thực hiện tiền lương theo mức lương cơ sở 1.300.000 đồng/tháng và các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành (phần ngân sách địa phương đảm bảo) theo Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2017 - 2020; Ba là, sắp xếp, cắt, giảm, giãn các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán năm 2017 sang thực hiện trong năm 2018 và các năm tiếp theo. Trường hợp khó khăn, xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách, phải kịp thời báo cáo UBND tỉnh để được xem xét, xử lý.
Sam Nguyễn