AN NINH - QUỐC PHÒNG

4 Luật có hiệu lực từ 1/1/2023
Ngày đăng 01/01/2023 | 06:13  | View count: 118424

Từ ngày 1/1/2023, 4 Luật có hiệu lực gồm: Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Cảnh sát cơ động; Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Điện ảnh.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phát triển sản phẩm

Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được thông qua ngày 16/6/2022, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Với 07 chương, 157 Điều, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã thay đổi phương thức quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây.

Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt, quản trị lành mạnh phát triển; kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt về quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường minh bạch hơn do có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.

Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đưa ra các quy định tạo sự chủ động trong hoạt động kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin và giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường sự chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm.

Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn tối đa 100% vốn điều lệ

Để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam.

Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm nhằm tạo sự rõ ràng, phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại WTO và các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng đã có các sửa đổi, bổ sung liên quan đến hợp đồng bảo hiểm; đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Trong đó, để đảm bảo thống nhất với Bộ Luật Dân sự, dễ áp dụng trong thực tế, hợp đồng bảo hiểm được sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng vô hiệu, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng; bãi bỏ quy định về thời hiệu khởi kiện, thời điểm phát sinh trách nhiệm của hợp đồng...

Phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm; nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hợp đồng bảo hiểm trong việc cung cấp thông tin.

Bên cạnh đó, cũng bổ sung các quy định về nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm; quyền thỏa thuận giao kết nhiều loại hợp đồng bảo hiểm; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ,... để bảo đảm quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm.

4 Luật có hiệu lực từ 1/1/2023 - Ảnh 2.

Cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.

Cắt giảm thủ tục hành chính; tăng tính bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm

Để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian qua, Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng có những quy định sửa đổi theo hướng bãi bỏ một số bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không với hành khách; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật; bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng cho phép các tập đoàn tài chính, bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam.

Đồng thời, bổ sung các quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm.

Cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm 

Về hoạt động nghiệp vụ, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động trong việc thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm và chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc); bổ sung quy định về hoạt động thuê ngoài.

Nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, Luật Kinh doanh bảo hiểm bãi bỏ quy định phải chấp thuận đối với đóng, mở, thay đổi địa điểm đặt chi nhánh, văn phòng đại diện và thay bằng hình thức thông báo với Bộ Tài chính trước khi có thay đổi.

Luật Kinh doanh bảo hiểm bổ sung quy định cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, người quản lý, người kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm; các nguyên tắc phân công, đảm nhiệm chức vụ nhằm tránh kiêm nhiệm nhiều, bãi nhiệm, miễn nhiệm, đình chỉ, tạm đình chỉ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc/Giám đốc, chuyên gia tính toán nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm.

Bổ sung quy định về an toàn tài chính

Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng bổ sung quy định về an toàn tài chính, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát,....

Bổ sung yêu cầu công khai thông tin định kỳ, công khai thông tin thường xuyên; công khai thông tin bất thường để đảm bảo thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm rõ ràng, minh bạch.

Đồng thời, bổ sung nguyên tắc, yêu cầu, đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng để phù hợp với xu thế cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

4 Luật có hiệu lực từ 1/1/2023 - Ảnh 3.

Luật Cảnh sát cơ động quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động.

Nhiệm vụ chính của Cảnh sát cơ động là "sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố"

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 Chương 33 Điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát cơ động; điều kiện bảo đảm và chế độ, chính sách; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với Cảnh sát cơ động.

Trong đó, Luật tiếp tục khẳng định và làm rõ chức năng của Cảnh sát cơ động trong việc làm "nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội";

Luật Cảnh sát cơ động quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động, xác định nhiệm vụ chính của Cảnh sát cơ động là "sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu để chống hành vi bạo loạn, khủng bố".

Nhiều điểm mới về tổ chức lực lượng Cảnh sát cơ động 

Bên cạnh đó, Luật Cảnh sát cơ động cũng có nhiều điểm mới về tổ chức lực lượng cảnh sát cơ động, như bổ sung lực lượng kỵ binh, trung đoàn không quân Công an nhân dân,…

Luật cũng bổ sung một số thẩm quyền cho lực lượng Cảnh sát cơ động như được phép ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các thiết bị bay siêu nhẹ, được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách.

Luật Cảnh sát cơ động là cơ sở pháp lý hoàn chỉnh để lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật hiệu quả hơn.

Đáng chú ý, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe, lý lịch đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định và tự nguyện phục vụ trong Cảnh sát cơ động; có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ hoặc có kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân vào Cảnh sát cơ động.

4 Luật có hiệu lực từ 1/1/2023 - Ảnh 4.

Nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn

7 chính sách lớn, điểm mới căn bản và quan trọng nhất trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi được Quốc hội khóa XV thông qua vào kỳ họp thứ 3, ngày 16/6/2022.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, trừ quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022, trong khi quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2024.

Nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm:

Chính sách 1: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao Quyền tác giả (QTG), Quyền liên quan đến quyền tác giả (QLQ).

- Các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản (chủ sở hữu, tác giả, người biểu diễn) được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao QTG, QLQ được thuận lợi hơn.

- Điểm nổi bật của dự thảo Luật là quy định cho phép chuyển giao một số quyền nhân thân theo thỏa thuận (thỏa thuận đặt tên, sửa đổi tác phẩm) phù hợp với đặc thù của lĩnh vực quyền tác giả nhằm giải quyết những vướng mắc tồn tại trong thực tiễn thời gian qua như trường hợp có nhu cầu thay đổi tên tác phẩm, sửa đổi, nâng cấp chương trình máy tính v.v.

Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước.

Luật quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, đồng thời có cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả phù hợp với  tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 11.

Quy định này không chỉ khắc phục các bất cập hiện nay về việc đăng ký và khai thác các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ do nhà nước đầu tư mà còn là cú hích để khuyến khích các chủ thể nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ động đăng ký, khai thác các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được tạo ra; thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích kinh tế cũng như đạt được các mục tiêu về an sinh xã hội.

Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký QTG, QLQ, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp.

Theo đó, dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký (trong lĩnh vực QTG, QLQ) hay phải đăng ký (lĩnh vực sở hữu công nghiệp), thì các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ,… tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này.

Một số sửa đổi cụ thể bao gồm: tạo cơ sở pháp lý để tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký trực tuyến QTG, QLQ; phân luồng ý kiến người thứ ba để đẩy nhanh quá trình thẩm định đơn; đơn giản hóa bản mô tả kiểu dáng công nghiệp; giới hạn việc kiểm soát an ninh đối với sáng chế; cho phép trì hoãn công bố đơn kiểu dáng công nghiệp; bổ sung một số quy định đặc thù về thủ tục giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực SHCN.

4 Luật có hiệu lực từ 1/1/2023 - Ảnh 5.

Sửa đổi quy định về giám định theo hướng xác định rõ phạm vi giữa giám định sở hữu trí tuệ với giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ.

Chính sách 4: Đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ được sửa đổi, hoàn thiện để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội. Cụ thể:

- Bổ sung một số trường hợp ngoại lệ không xâm phạm QTG, QLQ, các giới hạn QTG, QLQ nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ thể quyền tác giả với tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ tiếp cận tác phẩm, đảm bảo thực thi các cam kết quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

- Bổ sung một số quy định nhằm kiểm soát sáng chế có sử dụng nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen; bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ (sáng chế, nhãn hiệu); xử lý xung đột giữa nhãn hiệu với tên giống cây trồng, với đối tượng QTG, QLQ; sửa đổi các quy định về chủ thể đối với chỉ dẫn địa lý; làm rõ điều kiện bị coi là cạnh tranh không lành mạnh giữa tên miền với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý có trước.

Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ.

Các nội dung sửa đổi nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống sở hữu trí tuệ (bao gồm hoạt động đại diện, giám định), cụ thể là sửa đổi, bổ sung một số quy định theo hướng mở hơn nhằm tạo tính cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ đại diện (phân chia đại diện theo lĩnh vực; nới lỏng điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề đại diện tùy theo lĩnh vực); sửa đổi quy định về giám định theo hướng xác định rõ phạm vi giữa giám định sở hữu trí tuệ với giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ; làm rõ ý nghĩa mang tính chứng cứ của kết luận giám định sở hữu trí tuệ);

Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Các quy định liên quan đến thực thi quyền được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn, trong đó đáng chú ý là quy định bổ sung thẩm quyền chủ động áp dụng biện pháp kiểm soát tại biên giới nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát và kiểm soát cơ quan hải quan phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất, nhập khẩu là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ.

Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.

- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến biện pháp công nghệ bảo vệ quyền và thông tin quản lý quyền để đảm bảo thực thi trong môi trường số; một số quy định về ngoại lệ QTG, QLQ;

- Sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu; cơ chế bảo đảm thông tin cho chủ bằng sáng chế thực thi quyền trong thủ tục cấp phép lưu hành thị trường đối với dược phẩm; nghĩa vụ bảo hộ dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép nông hóa phẩm; cơ chế đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm; giả định về QTG, QLQ; quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông; nghĩa vụ chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ là hàng giả mạo sở hữu trí tuệ.

4 Luật có hiệu lực từ 1/1/2023 - Ảnh 6.

Khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh.

10 điểm mới cơ bản đáng chú ý Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 (viết tắt là Luật Điện ảnh năm 2022) kế thừa có chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh năm 2006. Luật Điện ảnh năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 và có 10 điểm mới cơ bản phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Sửa đổi, bổ sung khái niệm "Phim"

Thứ nhất, về khái niệm, Luật mới đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung các khái niệm thuật ngữ quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006 và bổ sung thuật ngữ "Công nghiệp điện ảnh", "Phân loại phim", "Phim Việt Nam", "Trường quay" và "Địa điểm chiếu phim công cộng". Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung khái niệm "Phim" đóng vai trò quan trọng, qua đó xác định rõ những loại sản phẩm nào trong lĩnh vực nghe nhìn được Luật Điện ảnh điều chỉnh.

Khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh

Thứ hai, về chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh (Điều 5): Luật Điện ảnh năm 2022 quy định việc đầu tư và hỗ trợ vào một khoản (khoản 2 Điều 5) nhằm tạo sự linh hoạt trong chính sách của Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; Luật đã thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách Nhà nước đồng thời khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh.

Quy định chi tiết, cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh

Thứ ba, về những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh (Điều 9), Luật quy định chi tiết, cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ Luật.

Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước được thực hiện dưới ba hình thức

Thứ tư, về sản xuất phim (Chương II), những điểm mới quan trọng được quy định tại Luật bao gồm: Hoạt động cung cấp dịch vụ dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam (Điều 13), Luật quy định hồ sơ xin cấp phép chỉ yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay tại Việt Nam thay vì kịch bản phim đầy đủ theo quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006.

Bên cạnh đó, về sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước (Điều 14) được thực hiện dưới ba hình thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu khác với Luật Điện ảnh năm 2006 chỉ quy định hình thức đấu thầu. Luật cũng mở rộng đối tượng chủ đầu tư sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan cứu tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp ở trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Quy định mới chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam

Thứ năm, về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam (Điều 41), đây là nội dung hoàn toàn mới được quy định tại Luật nhằm góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đẩy phát triển điện ảnh, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan. Kinh nghiệm một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng áp dụng chính sách ưu đãi này để tạo sức hấp dẫn đối với các tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim.

Luật không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện 

Thứ sáu, về phát hành phim (Chương III), Luật không quy định phát hành phim là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm tạo thuận lợi cho việc đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim.

4 Luật có hiệu lực từ 1/1/2023 - Ảnh 7.

Bảo đảm trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi.

Quy định việc phân loại độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo nội dung phim

Thứ bảy, về phổ biến phim (Chương IV), Phổ biến trên không gian mạng (Điều 21), Luật đã quy định rõ đối tượng chủ thể được phép phổ biến phim trên không gian mạng, đồng thời quy định thêm về các yêu cầu, điều kiện cần bảo đảm khi phổ biến phim trên không gian mạng như đáp ứng điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ, thông báo danh sách phim sẽ phổ biến và kết quả phân loại phim cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước khi thực hiện phổ biến phim trên không gian mạng. thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết và hướng dẫn để cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi, cung cấp đầu mối, thông tin liên hệ để tiến nhận, xử lý các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước; phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người sử dụng dịch vụ.

Về cấp Giấy phép phân loại phim, thẩm định và phân loại phim (Điều 27 và Điều 31), Luật quy định phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim khi đáp ứng các quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nội dung về phân cấp không hoàn toàn là nội dung mới trong luật, tuy nhiên quy định mới mang tính khả thi đáp ứng điều kiện thực tế hơn so với quy định tại Luật Điện ảnh năm 2006.

Về phân loại phim (Điều 32), phim Việt Nam chiếu tại rạp đã thực hiện phân loại theo độ tuổi từ năm 2017. Tuy nhiên quy định này chi mới áp dụng đối với phim chiếu tại rạp và chỉ được quy định tại Thông tư. Luật Điện ảnh năm 2022 quy định việc phân loại độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo nội dung phim áp dụng chung cho các phim chiếu trên mọi hình thức phổ biến.

Thời hạn lưu chiếu đối với phim nhập khẩu căn cứ theo thời hạn bản quyền phổ biến tại Việt Nam

Thứ tám, về lưu chiểu, lưu trữ phim (Chương V), định dạng kỹ thuật của phim thay đổi từ chất liệu phim nhựa sang phim phim kỹ thuật số nên Luật bổ sung một số quy định mới nhằm phù hợp với công nghệ điện ảnh như thời hạn lưu chiếu đối với phim nhập khẩu căn cứ theo thời hạn bản quyền phổ biến tại Việt Nam, phim Việt Nam sản xuất bằng nguồn ngân sách nhà nước phải chuyển bản phim lưu chiều không khóa mã, kịch bản và tài liệu đi kèm cho cơ sở lưu trữ phim; Trả lại bản phim lưu chiều cho cơ sở nộp lưu chiểu khi hết thời hạn lưu chiều. Chủ sở hữu phim phải mở khóa mã phim để đối chiếu, kiểm tra khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim 

Thứ chín, về liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam (Điều 38), so với Luật điện ảnh năm 2006, Luật Điện ảnh năm 2022 đã mở rộng chủ thể được tổ chức liên hoan phim nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia quảng bá, tôn vinh điện ảnh trong nước. Cụ thể các Bộ, ban, ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp được tự tổ chức liên hoan phim, giải thưởng, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam. Cơ quan, tổ chức không thuộc đối tượng nêu trên được phép tổ chức liên hoan phim, giải thưởng phim, cuộc thi phim, chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam.

Luật đã bổ sung và làm rõ thêm mục đích của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh

Thứ mười, về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, so với Luật Điện ảnh năm 2006, Luật đã bổ sung và làm rõ thêm mục đích của Quỹ (Điều 44) và nguyên tắc hoạt động của Quỹ (Điều 45) nhằm nâng cao tính khả thi./.

Theo chinhphu.vn

Số lượng truy cập

Đang truy cập: 41
Tổng: 0