AN NINH - QUỐC PHÒNG

Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Ngày đăng 09/08/2022 | 09:32  | View count: 3115

Sáng 8/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì phiên họp thứ 3 của Ủy ban để đánh giá kết quả chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2022 và xác định những hướng giải pháp, nhiệm vụ chuyển đổi số thời gian tới. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban; các đồng chí Ủy viên Ủy ban: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an.

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có các đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Lê Văn Chiến, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Trọng Yên, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Tham dự còn có các thành viên và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số.

Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời giúp các cấp, các ngành thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là phù hợp với phẩm chất, năng lực con người Việt Nam cần cù, ham học hỏi, linh hoạt, và sáng tạo.

Tiến trình chuyển đổi số trong nước đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa phương. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số trở thành đòi hỏi bức thiết của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, doanh nghiệp để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết thực sự hiệu quả nhiều vấn đề liên quan tới thống kê, tiêm chủng, xét nghiệm, bảo đảm an sinh xã hội...Khi dịch bệnh được kiểm soát, chuyển đổi số tiếp tục là công tác trọng tâm, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thường xuyên, liên tục theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và quyết liệt triển khai. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải đẩy mạnh chuyển đổi số một cách nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, triển khai các nhiệm vụ toàn diện, đồng bộ, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó.

Nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số là rất nặng nề, phải chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh, tạo thuận lợi cho việc triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thẳng thắn đánh giá rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, những nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch hoạt động năm 2022 của Ủy ban và những nhiệm vụ được giao tại Phiên họp lần trước của Uỷ ban, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là nguyên nhân chủ quan; tinh thần là làm việc thực chất, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc, cho nhân dân.

Về tình hình thực hiện công tác chuyển đổi số 6 tháng qua, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27% (kế hoạch là 7%); tỷ lệ người dân từ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66% (vượt 1%); tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91% (kế hoạch 85%); tỷ lệ hộ gia đình có internet cáp quang băng rộng là 71,75% (kế hoạch 75%); tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hô sơ 45,78% (kế hoạch 80%)…

Về hạ tầng số, Bộ Thông tin và Truyền thông, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 71,79Mbps, tăng 32,7% so cùng kỳ năm 2021; tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 35,29Mbps, tăng 4,7% so cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng 477/832 thôn lõm sóng viễn thông; ban giao cho các tỉnh là 457.249 máy tính trong Chương trình "Sóng và máy tính cho em"…

Về nền tảng số, 35/35 nền tảng số quốc gia đã hoàn thành phát triển, công bố và đưa vào sử dụng, trong đó có 31 nền tảng số đã đưa vào sử dụng chính thức, 4 nền tảng số đang sử dụng thử nghiệm. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh gia và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tnagr phục vụ xã hội số.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Đối với tỉnh Đắk Nông, hiện nay đã xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp của tỉnh và kho dữ liệu dùng chung theo Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Nông phiên bản 2.0 đã kết nối với Chính phủ, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở quốc gia về bảo hiểm. Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã tích hợp ứng dụng một cửa điện tử liên thông của tỉnh, cung cấp 516 dịch vụ công mức độ 3 và 272 dịch vụ công mức độ 4. Đã thực hiện kết nối thành công 437 thủ tục hành chính của tỉnh lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Hiện tại tỉnh đã thực hiện hỗ trợ đưa hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các hàng nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP, VIETGAP,… lên 02 sàn thương mại voso.vn và postmart.vn. Đến nay, đã hỗ trợ lên sàn thương mại điện tử cho 630 sản phẩm trong đó có 47/52 sản phẩm OCOP và 583 sản phẩm nông nghiệp khác; tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa thông tin là 111.390 hộ, đạt 92,8%. Có khoảng 25% dân số tham gia mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các ứng dụng di động như: lazada, Shopee, Facebôk, Zalo. Về xã hội số, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được kết nối cáp quang đến trung tâm; phủ sóng 4G đến 97% thông, buôn, bon; tỷ lệ hộ gia đình có máy tính 23,17%; tỷ lệ người dân sử dụng Internet 73,08%...

Tính đến ngày 15/6/2022, tỷ lệ doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh đã chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử, trên tổng số đơn vị sử dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 99,5%. Cũng theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, tính đến ngày 29/6/2022, 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử, Đắk Nông là một trong những địa phương về đích sớm nhất theo mục tiêu của Tổng Cục thuế.
Kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông năm 2021 tăng 13 bậc

Theo kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số - DTI năm 2021 của các bộ, tỉnh vừa được Bộ TT&TT công bố; Trong đó, tỉnh Đắk Nông đã có sự vươn lên xếp thứ 41 trong cả nước, tăng 13 bậc so với năm 2020.

So với năm 2020, tất cả 3 chỉ số trụ cột đánh giá về chuyển đổi số của tỉnh Đắk Nông đều có sự thay đổi đáng kể. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 52, kinh tế số thứ 34 và xã hội số thứ 18. Ngoài 3 chỉ số đánh giá duy trì của năm 2020, năm 2021 Bộ Thông tin và Truyền thông bổ sung đánh giá thêm 5 chỉ số khác là: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số và an toàn thông tin mạng.

Với việc chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh được xếp thứ 41 toàn quốc, Đắk Nông được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có mức tăng DTI nhanh, mạnh nhất nước. Đây là kết quả sau quá trình nỗ lực điều hành, thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số của Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đắk Nông.

 

Tấn Lê

Số lượng truy cập

Đang truy cập: 16
Tổng: 0