TIN TỨC - SỰ KIỆN
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười, Trưởng Ban Chỉ đạo vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tỉnh Đắk Nông đã kí quyết định số 1603/QĐ-BCĐ về ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tỉnh Đắk Nông.
Quy chế quy định về nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và phối hợp công tác của Ban Chỉ đạo vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo:
Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân giao nộp và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong các mặt công tác của Ban Chỉ đạo.
Tiến hành sơ kết, tổng kết công tác định kỳ và theo chuyên đề; đề xuất, kiến nghị những vấn đề mới xuất hiện; bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật liên quan đến công tác vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại địa phương.
Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch UBND tỉnh giao.
Nhiệm vụ và trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo được quy định cụ thể như sau:
Quyền hạn, nhiệm vụ của Trưởng ban
Có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành trực tiếp, toàn diện các hoạt động của Ban chỉ đạo; phê duyệt các chương trình, kế hoạch, phương án về công tác vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức phối hợp giữa các thành viên Ban Chỉ đạo, giữa Ban Chỉ đạo với các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang và UBND các huyện, thành phố để thực hiện nhiệm vụ; quyết định triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, các cuộc họp sơ kết, tổng kết công tác vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Yêu cầu các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang và UBND các huyện, thành phố báo cáo thường xuyên, kịp thời tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công; định kỳ báo cáo, đề xuất Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương về tình hình, kết quả các mặt công tác vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Phê duyệt Quyết định khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh về hiệu quả công tác vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Quyền hạn, nhiệm vụ của Phó Trưởng ban Thường trực
Trực tiếp chỉ đạo hoạt động của tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo, nắm chắc mọi diễn biến, tình hình có liên quan đến công tác vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn để tham mưu, đề xuất cho Ban chỉ đạo đề ra chủ trương, giải pháp xử lý; báo cáo Trưởng ban những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Đề xuất các chương trình, quyết định, chỉ thị, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo và chỉ đạo của UBND tỉnh; tham mưu xây dựng các báo cáo sơ kết, tổng kết của Ban chỉ đạo; thay mặt Trưởng ban đôn đốc các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang và UBND các huyện, thành phố triển khai, thực hiện.
Chỉ đạo công tác phát hiện, đấu tranh với tội phạm, các hành vi vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời điều tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Phối hợp tổ chức, kiểm tra, đánh giá tình hình, kết quả công tác vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Thay mặt Trưởng ban Chỉ đạo điều hành công việc khi Trưởng ban đi vắng, ủy quyền; báo cáo Trưởng ban những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Phó trưởng ban.
Chịu trách nhiệm trước Trưởng ban và Ban chỉ đạo về hiệu quả công tác trên lĩnh vực được phân công phụ trách.
Quyền hạn, nhiệm vụ của Phó Trưởng ban
Phối hợp, thực hiện nội dung công tác của Phó trưởng Ban thường trực, trực tiếp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các mặt công tác về vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Công an tỉnh là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo trong việc tham mưu, xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo.
Được sử dụng bộ máy và cán bộ thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ đột xuất và thường xuyên do Ban chỉ đạo giao.
Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng ban chỉ đạo phân công.
Các Ủy viên Ban Chỉ đạo
Tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ công tác theo sự phân công của Trưởng ban, chịu trách nhiệm trước Trưởng ban chỉ đạo về hiệu quả công tác trên lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách.
Được sử dụng bộ máy và cán bộ, công chức các Sở, Ban, ngành thuộc quyền để thực hiện nhiệm vụ đột xuất và thường xuyên do Ban Chỉ đạo giao.
Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình lĩnh vực liên quan đến công tác vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tại các Sở, Ban, ngành và địa phương được phân công phụ trách; kịp thời báo cáo tình hình và đề xuất chủ trương, biện pháp xử lý, giải quyết gửi Trưởng ban, Phó trưởng ban để xem xét, quyết định.
Chế độ hội họp của Ban Chỉ đạo: Ban chỉ đạo định kỳ họp một năm 01 kỳ (thời gian vào cuối năm) để đánh giá tình hình, kết quả và đề ra phương hướng công tác trong thời gian tiếp theo.
Trường hợp cần thiết, Trưởng ban chỉ đạo có thể triệu tập các phiên họp đột xuất.
Các thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban chỉ đạo. Trường hợp vắng mặt, có thể ủy quyền cho cấp phó cơ quan dự họp nhưng phải báo cáo được sự đồng ý của Trưởng ban Chỉ đạo.
Chế độ thông tin báo cáo
06 tháng, 01 năm các thành viên Ban chỉ đạo tổng hợp tình hình, kết quả công tác về vận động, thu hồi, phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ thuộc lĩnh vực chuyên môn các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang báo cáo Trưởng ban chỉ đạo (qua Công an tỉnh theo dõi chung). Thời gian gửi báo cáo được quy định như sau:
- Báo cáo 6 tháng, gửi trước ngày 20/5 hàng năm.
- Báo cáo 01 năm, gửi trước ngày 20/11 hàng năm
Công an tỉnh có trách nhiệm gửi báo cáo mẫu chung và hướng dẫn cụ thể về nội dung hình thức báo cáo đến các Sở, Ban, ngành thành viên Ban chỉ đạo, Ban chỉ đạo các huyện, thành phố và tổng hợp chung để báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo.
Thảo Diệp