TIN THẾ GIỚI

Từ người làm thuê trở thành tỷ phú
Ngày đăng 28/09/2020 | 14:07  | View count: 51383

Từ chỗ phải đi làm thuê kiếm sống, anh Phạm Văn Khang (SN 1980), ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đã vươn lên trở thành tỷ phú và giúp đỡ người nghèo phát triển kinh tế. Những nỗ lực, đóng góp của anh Khang đã được các cấp, các ngành và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, khen thưởng.

Vươn lên từ gian khổ

Nhờ đức tình cần cù, chịu khó, anh Khang đã có 60 ha đất, với đầy đủ các loại cây trồng từ cây ngắn ngày cho đến cây dài ngày, cây ăn quả, trở thành tỷ phú ở địa phương. Con đường trở thành tỷ phú của anh được nhiều người nể phục.

Hiện nay, anh Khang đang có thu nhập cao với mô hình sâm bố chính đầu tiên  trên địa bàn huyện Tuy Đức

Gia đình anh Khang từng phải trải qua những năm tháng đói nghèo, phải đi làm thuê, cuốc mướn để kiếm sống qua ngày. Anh Khang cho biết, năm 2000, anh cùng gia đình rời quê hương Cao Bằng vào xã Đắk Búk So lập nghiệp. Đến năm 2005, khi lập gia đình và ra ở riêng, vợ chồng anh được bố mẹ cho 1 ha cà phê mới trồng và 1 ha đất trắng. Thời điểm này, cây cà phê còn nhỏ, gia đình anh chưa có thu nhập, thường xuyên phải đối mặt với đói nghèo.

Anh Khang cho biết: "Vợ chồng chúng tôi chỉ nghèo về vật chất chứ không nghèo về ý chí, nghị lực. Những năm đầu, khi nương rẫy chưa có thu nhập, vợ chồng tôi động viên nhau đi làm thuê để có cái ăn, cái mặc qua ngày. Còn thu nhập từ vườn rẫy đã giúp gia đình tôi tích lũy được tiền của. Mỗi năm một ít, gia đình mua thêm đất đai, cây trồng, nuôi gia súc, gia cầm… để phát triển sản xuất, kinh doanh".

Khi đã có chút vốn liếng trong tay, kết hợp với đức tính cần cù, chịu khó học hỏi, anh Khang đã có bước đột phá lớn, vươn lên trở thành hộ gia đình khá giả của địa phương. Thời điểm 2007-2010, anh Khang nhận thấy cây khoai lang Nhật Bản có giá trị cao, được thị trường ưa chuộng. Thế nên, ngoài việc phát triển hết diện tích đất đai của gia đình, anh còn mạnh dạn dồn hết vốn liếng thuê hàng chục ha đất của người dân địa phương để phát triển cây khoai lang Nhật Bản.

Do làm chủ được kỹ thuật sản xuất, cộng với giá khoai lang tăng cao, anh Khang đã liên tục trúng lớn nhiều vụ, nhanh chóng có tiền tỷ trong tay. Đây cũng là thời điểm anh Khang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm hàng chục ha đất nông nghiệp để phát triển kinh tế theo hướng đa dạng cây trồng.

"Siêng nhặt, chặt bị", đến nay, gia đình anh Khang đã nắm trong tay 60 ha đất nông nghiệp, với đa dạng các loại cây trồng như: khoai lang, bắp cải, cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, mắc ca, sâm bố chính, nghệ bò cạp… Trung bình mỗi năm, trừ hết chi phí sản xuất, sinh hoạt, gia đình anh có nguồn thu nhập hơn 2 tỷ đồng, trở thành hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc. "Những gì tôi có được như ngày hôm nay chưa là gì so với xã hội. Nhưng với một người có quá khứ vất vả như tôi, cuộc sống hiện tại là điều mà trước đây không bao giờ tôi dám nghĩ tới", anh Khang tự hào.

Theo anh Khang, một bước ngoặt khác để gia đình anh có được bước phát triển vượt bậc như ngày hôm nay là vào năm 2005. Thời điểm đó, anh làm đơn xin vào tổ chức Hội Nông dân xã nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên khác. Khi tham gia hội, anh Khang đã được tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ đó, bản thân anh đã có những kiến thức vững vàng để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, bài bản.

Nông dân "đầu tàu" của địa phương

Sinh ra và trưởng thành trong gian khổ, nên anh Khang luôn đồng cảm, sẵn sàng giúp đỡ những người khó khăn. Những năm qua, anh Khang đã trở thành đầu tàu trong việc hỗ trợ người dân địa phương phát triển kinh tế. Đầu tiên, khi thấy đời sống bà con còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, anh Khang đã chủ động thành lập đại lý thu mua nông sản. Sau nhiều năm thành lập, đại lý thu mua nông sản của anh Khang đã xây dựng được mối liên doanh, liên kết, bao tiêu đầu ra cho nông sản địa phương…

Đồng hành cùng bà con nông dân, hàng năm, anh Khang còn tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho gần 50 lao động. Mặt khác, anh Khang còn giúp đỡ cho 40-50 lao động có việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn. Không dừng lại ở đó, anh Khang còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế. Hiện nay, anh Khang đang giúp đỡ trực tiếp cho 17 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất.

Trên bước đường làm ăn, phát triển kinh tế, với những đóng góp của mình, anh Khang và gia đình đã đạt được nhiều thành tích cao quý. Từ năm 2011 cho đến nay, năm nào anh và gia đình cũng được Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh, UBND tỉnh Đắk Nông, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen vì những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng  phong trào nông dân phát triển lớn mạnh… Đặc biệt, trong năm 2018, anh Khang đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen "Có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định, giúp đỡ nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động".

Theo lãnh đạo Hội Nông dân huyện Tuy Đức, anh Khang là một trong những nông dân tiêu biểu của địa phương trong việc dám nghĩ, dám làm để phát triển kinh tế. Không những vậy, anh còn có tinh thần hòa đồng, sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn, sản xuất cho bà con trong vùng. Anh Khang đã tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng  hóa… giúp đỡ nhiều bà con địa phương xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Theo Báo Đắk Nông Điện tử