TIN THẾ GIỚI
Mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh, nhưng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn nỗ lực duy trì hoạt động và quan tâm chăm lo tốt cho người lao động.
Tìm cách giữ chân người lao động
Dịch bệnh Covid-19 đã buộc Công ty TNHH Kiều Phương Đông (Đắk R'lấp) phải giảm công suất hoạt động xuống gần 40% so với trước. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn nỗ lực duy trì sản xuất và giữ nguyên số công nhân làm việc tại nhà xưởng chế biến điều.
Công nhân vẫn được duy trì công việc đều đặn tại Công ty TNHH Kiều Phương Đông (Đắk R'lấp) |
Ông Kiều Phương Đông, Giám đốc công ty cho biết: Hiện nay, không chỉ thị trường tiêu thụ chậm mà giá nguyên liệu điều đang hạ rất mạnh, với khoảng 30-40% so với đầu năm. Trong khi, vào đầu niên vụ, doanh nghiệp đã phải mua với giá khá cao. Doanh nghiệp hiện đang có khoảng 400-500 tấn điều nguyên liệu tồn kho. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động chung của toàn đơn vị, nhất là vấn đề tài chính. Tuy nhiên, không vì thế mà doanh nghiệp để người lao động của mình bị ảnh hưởng. Mọi hoạt động sản xuất vẫn được công ty duy trì đều đặn, tạo việc làm thường xuyên cho trên 40 lao động. Hiện tại, thu nhập bình quân của công nhân tại doanh nghiệp đạt từ 7-10 triệu đồng/tháng.
"Do toàn bộ lao động tại doanh nghiệp là người địa phương và gắn bó ngay từ ngày đầu thành lập nên dù khó khăn đến đâu, doanh nghiệp vẫn phải tìm mọi cách vượt qua để công nhân có thu nhập ổn định"- ông Đông chia sẻ thêm.
Bà Đoàn Thị Trâm, công nhân công ty cho biết: "Tôi làm ở công ty được gần 3 năm. Mặc dù doanh nghiệp mới đi vào hoạt động, nhưng rất quan tâm đến các chế độ chính sách cho người lao động. Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn này, doanh nghiệp vẫn động viên, tạo điều kiện để công nhân luôn có việc làm, không bị rơi vào tình trạng thất nghiệp".
Tương tự, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh thu của DNTN Thương mại và Dịch vụ Sơn Mã (Gia Nghĩa) cũng bị giảm sút khá mạnh. Là đơn vị kinh doanh ở lĩnh vực dịch vụ nên từ khi dịch bệnh bùng phát, toàn bộ hoạt động tại doanh nghiệp phải đóng cửa.
Theo bà Nguyễn Thị Liên, chủ doanh nghiệp thì hiện tại, đơn vị đang có khoảng 100 lao động làm tại tất cả các bộ phận. Để giữ chân người lao động trong giai đoạn dịch bệnh, đơn vị đang thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, đơn vị hiện đang có gần 60 lao động được hỗ trợ về ăn, ở và 50% tổng tiền lương hàng tháng. Chi phí dành cho hoạt động này khá lớn, trong khi không có nguồn thu, nhưng doanh nghiệp vẫn phải bảo đảm đời sống cho người lao động. Bởi vì nguồn lao động ở lĩnh vực này hiện nay rất khó thu hút. Một số người chờ việc lâu sẽ nghỉ. Vì thế, nếu dịch bệnh kéo dài, doanh nghiệp không có các chính sách hỗ trợ kịp thời thì sẽ rất khó giữ chân họ quay lại làm việc khi hết dịch.
Đào tạo nâng cao tay nghề
Trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một số doanh nghiệp cũng đang gặp khó về vấn đề sản xuất do thiếu lao động có tay nghề cao.
Công ty TNHH Sản xuất thương mại đá bazan Đắk Mil (Đắk Mil) đang tập trung đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động |
Công ty TNHH Sản xuất thương mại đá bazan Đắk Mil (Đắk Mil) đi vào hoạt động được gần 2 năm. Đây là lĩnh vực khá mới mẻ nên về hoạt động khai thác, chế biến đá luôn đòi hỏi cao về tay nghề và kinh nghiệm. Được biết, do toàn bộ máy móc sản xuất của nhà máy như máy xẻ, mài, cắt… đều nhập từ Trung Quốc về. Do vậy, hiện tại, doanh nghiệp đang phải thuê 12 chuyên gia và kỹ thuật từ nước ngoài qua hỗ trợ; trong đó, chủ yếu là ở khâu xẻ bổ. Tuy nhiên, trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, một số chuyên gia này về nước và không qua được, đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Theo đó, công suất của nhà máy phải giảm xuống khoảng 40%. Giá thành phẩm phải đội lên khoảng 10% do vấn đề kỹ thuật chưa đạt.
Thiếu lao động kỹ thuật có tay nghề cao và kinh nghiệm khiến chất lượng sản phẩm đá bazan của Công ty TNHH Sản xuất thương mại đá bazan Đắk Mil (Đắk Mil) bị ảnh hưởng |
Ông Lý Chủ Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại đá bazan Đắk Mil cho biết: Nếu kỹ thuật xẻ bổ tốt thì sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm việc hao hụt về nguyên liệu và giá thành. Mặc dù năm vừa rồi, công ty cũng đã đào tạo được 2 đội xẻ bổ là người Việt Nam rồi, nhưng sản phẩm làm ra vẫn chưa đạt so với yêu cầu. Bên cạnh đó, từ đầu vào cho đến đầu ra thành phẩm thì trọng tâm vẫn là khâu nghiệm thu hàng, nhằm hạn chế vấn đề lỗi, trả lại đơn hàng từ đối tác. Tuy nhiên, khâu này, doanh nghiệp hiện cũng đang phải thuê chuyên gia nước ngoài về hỗ trợ mới bảo đảm được.
Theo Cục Thống kê, hiện nay, toàn tỉnh đang có khoảng 1.285 doanh nghiệp và 25.235 cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia hoạt động, tạo việc làm cho hơn 98.700 lao động. Trong quý I, dịch bệnh Covid-19 đã làm cho 3 doanh nghiệp và 350 cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, với khoảng 530 lao động phải tạm thời nghỉ việc. Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, không để xảy ra tình trạng thiếu việc, thiếu lao động, nợ hoặc chậm lương làm ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Những nỗ lực này từ phía doanh nghiệp cũng đã góp phần tích cực cùng địa phương vừa bảo đảm sản xuất, vừa nâng cao hiệu quả phòng chống dịch Covid-19. |
Do các chuyên gia, kỹ thuật chưa qua làm việc lại được nên để chất lượng sản phẩm không bị ảnh hưởng, vừa rồi, đơn vị đã phải mời thêm một số kỹ thuật có kinh nghiệm ở Bình Định lên để hỗ trợ vấn đề máy móc và tiếp tục đào tạo cho công nhân. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đã làm việc trực tiếp với một số khách hàng để nhờ họ hỗ trợ phần nghiệm thu. Về lâu dài, khi dịch bệnh được kiểm soát, các nước đi lại bình thường, đơn vị cũng sẽ mời chuyên gia quay lại làm và tiếp tục vấn đề đào tạo. Doanh nghiệp hy vọng, trong khoảng 1 năm tới sẽ làm chủ được hoàn toàn các khâu sản xuất, kể từ khâu xẻ bổ cho đến nghiệm thu.
Theo Báo Đắk Nông điện tử