TIN THẾ GIỚI
Mức trả dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất
Nghị định quy định mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng như sau:
- Cơ sở sản xuất thủy điện là 36 đồng/kwh điện thương phẩm;
- Cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch là 52 đồng/m3 nước thương phẩm;
- Cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước là 50 đồng/m3;
- Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí quy định tại điểm d khoản 2 Điều 63 của Luật Lâm nghiệp tối thiểu bằng 1% trên tổng doanh thu thực hiện trong kỳ;
- Doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản hoặc doanh nghiệp liên kết với các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản quy định tại điểm e khoản 2 Điều 63 của Luật Lâm nghiệp tối thiểu bằng 1% tổng doanh thu thực hiện trong kỳ.
Nguyên tắc hoạt động nạo vét vùng nước cảng biển
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa.
Nghị định nêu rõ trước khi tiến hành hoạt động nạo vét, đơn vị thi công nạo vét thông báo kế hoạch triển khai thực hiện đến cơ quan quản lý chuyên ngành, chính quyền địa phương nơi có công trình và có bảng niêm yết tại công trường trong suốt quá trình thi công.
Các dự án nạo vét cơ bản thuộc đường thủy nội địa phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận phương án thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước
Chất nạo vét phải được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về đất đai, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các quy định khác có liên quan của pháp luật...
KKT cửa khẩu Lào Cai trở thành vùng kinh tế động lực của Lào Cai
Đó là mục tiêu của Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai - tỉnh Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1627/QĐ-TTg.
Theo quy hoạch, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có tổng diện tích khoảng 15.929,8 ha. Dự báo đến năm 2040, quy mô dân số khoảng 90.000 người, trong đó lao động khoảng 45.000 người.
Thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 9 địa phương
Thủ tướng Chính phủ quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm (ATTP) tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và xã, phường, thị trấn thuộc huyện, quận, thị xã, thành phố của 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai.
Việc thí điểm sẽ được triển khai tại 100% số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đối với 7 tỉnh, thành phố còn lại, thí điểm tại không quá 25% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc đơn vị hành chính cấp tỉnh và không quá 20% số đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện.
Thời gian thực hiện thí điểm là 01 năm; thời điểm bắt đầu thực hiện thí điểm sau 06 tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành (10/1/2019).
Thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng ở huyện Sóc Sơn
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo công tác thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/2/2019.
Theo chinhphu.vn