TIN THẾ GIỚI

Công tác dân tộc giúp đồng bào nâng cao đời sống, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Ngày đăng 29/11/2018 | 10:20  | View count: 22011

Trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2018 của UBND tỉnh gửi HĐND tỉnh mới đây có một câu đánh giá hết sức ngắn gọn: Công tác dân tộc được triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả.

Chỉ đơn giản vậy thôi nhưng đằng sau đó là cả sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, giúp đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao đời sống, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phụ nữ M'nông được học nghề dệt thổ cẩm tại Lớp dạy nghề dệt thổ cẩm xã Đắk Búk So (Tuy Đức)

Từ khi thành lập tỉnh Đắk Nông đến nay, ngoài 3 dân tộc tại chỗ là M'nông, Mạ, Ê đê, trên địa bàn tỉnh còn có gần 40 dân tộc anh em khác, chủ yếu chuyển cư từ khắp các vùng miền trong cả nước đến sinh cơ lập nghiệp. Điều đáng nói, mặc dù có nhiều dân tộc cùng chung sống nhưng tình đoàn kết, chung sức của đồng bào các dân tộc trong xây dựng, phát triển tỉnh luôn được phát huy mọi lúc, mọi nơi. Có được điều đó, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh, bằng những chủ trương, chính sách thiết thực, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách về dân tộc.

Sau ngày thành lập tỉnh, trong suốt 15 năm qua, Đắk Nông luôn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, mọi mặt đời sống xã hội. Nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cùng với tinh thần đoàn kết của toàn thể đội ngũ cán bộ, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh qua từng năm luôn có sự chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Nhờ chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất, kinh doanh đối với hộ đồng bào DTTS tại chỗ, ông Điểu Nhan ở bon Đắk R'moan, xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa) đã có vốn đầu tư sản xuất, vươn lên làm giàu, xây dựng nhà cửa khang trang

Riêng về việc thực hiện công tác dân tộc, chỉ tính từ năm 2004 đến nay, để giúp đồng bào các DTTS có cơ hội xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, Đảng, Nhà nước, tỉnh đã có hàng loạt chính sách, chương trình hỗ trợ về kinh tế, văn hóa xã hội. Điển hình như các chương trình 132. 134, 135, 159, 168; trợ giá trợ cước vận chuyển, giống cây trồng; giao khoán quản lý bảo vệ rừng; thủy lợi, định canh định cư vùng đồng bào DTTS; hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS; phát huy vai trò người uy tín trong vùng DTTS; bảo hiểm y tế; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

Từ các chương trình hỗ trợ, cùng với truyền thống lao động cần cù, ý chí vươn lên trong lao động sản xuất, nhiều hộ đồng bào DTTS đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, vươn lên làm giàu. Công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc đạt được nhiều kết quả, nhất là văn hóa cồng chiêng. Nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào, ngày hội văn hóa thể thao các DTTS được duy trì, tổ chức hàng năm ở khắp các địa phương đã trở thành nơi giao lưu, gặp gỡ, thắt chặt tình đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Trẻ em Ê đê xã Tâm Thắng (Cư Jút) vui mừng khi công trình nước sạch về với buôn làng. Ảnh: Hồ Mai

Với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, sử dụng người có uy tín trong cộng đồng, phong trào thi đua yêu nước, củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc cũng được nâng cao, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh, làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng dân cư cũng góp sức cùng với các cấp chính quyền tuyên truyền, vận động đồng bào không tin, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu để quấy rối, vượt biên trái phép, làm mất ổn định an ninh trật tự ở vùng nông thôn, vùng DTTS.

Thông qua các chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc, lễ hội truyền thống của đồng bào tại chỗ được khôi phục, phục dựng

Qua thực tiễn các phong trào thi đua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương đồng bào DTTS làm nhiều việc tốt, có ích cho cộng đồng, xã hội. Hiệu quả từ sự đầu tư và các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của cuộc sống đã làm cho đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng cao; bộ mặt của nông thôn có những khởi sắc đáng ghi nhận. Điều đáng trân trọng, đồng bào các DTTS luôn sát cánh cùng với Đảng, các cấp chính quyền, chung sức, chung lòng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Đắk Nông.

Đồng bào M'nông tìm hiểu thông tin, tri thức thông qua các tờ báo được cấp phát miễn phí. Ảnh: Bình Nhi

Từ thực tế trên, việc tiếp tục xác định đúng tầm quan trọng của công tác dân tộc và vấn đề đoàn kết dân tộc trong hiện tại cũng như lâu dài là điều hết sức cần thiết, thể hiện đường lối nhất quán của Đảng, Nhà nước. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc phải luôn được xem là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo đảm công bằng xã hội, đoàn kết dân tộc, phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm công tác dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS. Các chương trình phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào DTTS cần được ưu tiên nguồn lực để xây dựng, thực hiện. Thông qua đó, đồng bào các DTTS có thêm điều kiện, cơ hội phát huy nội lực để khai thác tiềm năng, thế mạnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm phát triển bền vững.

Theo Đắk Nông Online