TIN THẾ GIỚI

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về tình hình sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh
Ngày đăng 29/05/2018 | 06:49  | View count: 4629

Ngày 28/5, Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do đồng chí Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Thường trực làm Trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về tình hình sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Hải, Cao Huy, Tôn Thị Ngọc Hạnh; cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan đã tiếp và làm việc với Đoàn.

Toàn cảnh buổi làm việc
 

Về hiện trạng tài nguyên rừng, theo báo cáo cáo của UBND tỉnh với Đoàn công tác tại buổi làm việc, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh là 39,42%. Tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng của tỉnh là hơn 329.330 ha; trong đó, đất rừng hơn 256.850 ha gồm 209.807 ha rừng tự nhiên và 47.043 ha rừng trồng; đất quy hoạch phát triển rừng là 72.480 ha. Phần lớn diện tích rừng và đất lâm nghiệp nói trên đã giao, cho thuê với nhiều chủ thể quản lý, sử dụng bao gồm các Ban quản lý rừng đặc dụng; phòng hộ, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, lực lượng vũ trang, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình cá nhân, UBND xã và các tổ chức khác để quản lý, sử dụng.

Năm 2018, tỉnh Đắk Nông có kế hoạch triển khai trồng 2.060 ha rừng, trong đó trồng rừng tập trung 1.594 ha, trồng rừng thay thế 466 ha. Đến thời điểm hiện tại, các chủ rừng đã tổ chức lập hồ sơ thiết kế trồng rừng, chuẩn bị mặt bằng để trồng rừng được 1.197 ha.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng
 

Thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ rừng như: xác định các điểm nóng phá rừng, kiểm tra giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật; giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo; thanh tra, kiểm tra và điều tra xử lý vi phạm, kiểm điểm trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có tác động mạnh đến tâm lý đội ngũ cán bộ quản lý, bảo vệ rừng, từ đó đã tạo sức lan tỏa lớn trong xã hội, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác quản lý, bảo về và phát triển rừng.

Tuy vậy, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác và mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Tình trạng lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp diễn ra phức tạp, công tác thu hồi, cưỡng chế gặp nhiều khó khăn nên hạn chế đến việc trồng rừng hằng năm. Toàn tỉnh hiện có 68.000 ha diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang bị người dân lấn chiếm chưa thu hồi được. Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã kiến nghị, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT phát biểu kết luận tại buổi làm việc
 

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Hà Công Tuấn ghi nhận những nỗ lực và kết quả đã đạt được của tỉnh Đắk Nông trong việc quyết tâm ngăn chặn tình trạng phá rừng, nhất là xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, đối tượng vi phạm liên quan đến rừng trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, hiện nay tỷ lệ độ che phủ rừng ở Đắk Nông khá thấp so với khu vực và cả nước. Do đó, trước mắt, tỉnh cần tập trung rà soát, đưa ra lộ trình cụ thể để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong công tác bảo vệ, phát triển rừng; cân đối các nguồn chi để có thêm nguồn kinh phí phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Tỉnh cũng cần quyết tâm hơn nữa trong việc trồng đủ diện tích trồng rừng thay thế theo kế hoạch đã đề ra. Về hướng phát triển lâm nghiệp bền vững, Thứ trưởng yêu cầu tỉnh cần rà soát lại diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện nay để có phương án khả thi trong khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển...

Sam Nguyễn