TIN THẾ GIỚI
Chiều 02/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quản lý, sử dụng, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Đại biểu Võ Đình Tín - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã nêu ý kiến đề nghị xem xét, bổ sung lực lượng dân phòng vào đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ…
Cổng Thông tin điện tử xin giới thiệu bài phát biểu của Đại biểu Võ Đình Tín.
Đại biểu Võ Đình Tín nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ |
Qua nghiên cứu dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Báo cáo giải trình tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thượng vụ Quốc hội. Tôi cơ bản nhất trí như dự thảo luật, việc ban hành này là hết sức cần thiết, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên để góp phần hoàn chỉnh dự án luật, tôi xin tham gia một số ý kiến sau:
1.Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 5)
Theo Khoản 11, Điều 5 về "Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức sản xuất và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức". Tôi đề nghị cần quy định rõ hơn những trường hợp nào được xem là "Hướng dẫn huấn luyện, tổ chức huấn luyện không trái phép". Vì trên thực tế hiện nay một số trang mạng xã hội, trang web viết bài hướng dẫn, hoặc chỉ chia sẽ hướng dẫn chứ không trực tiếp hướng dẫn cách thức sản xuất và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Thế nhưng chưa có quy định cụ thể việc làm trên là trái phép hay không trái phép.
2. Quy định các trường hợp nổ sung quân dụng (Điều 24):
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 24 quy định về các trường hợp được nổ súng mà không cần cảnh báo. Đây là quy định cần thiết , nhưng tại điểm d, Khoản 2, Điều 24 Dự thảo quy định: "Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác", theo tôi quy định như vậy là chưa đầy đủ. Vì nếu đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến sức khỏe (không phải tính mạng) của người thi hành công vụ hoặc người khác thì trường hợp này không được nổ súng. Do đó, nếu người thi hành công vụ nổ súng trong trường hợp này là vi phạm pháp luật. Theo tôi quy định này là chưa hợp lý vì sức khỏe cũng là một trong những yếu tố quan trọng và liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người cần được pháp luật bảo vệ. Bên cạnh đó, khi đặt trong tình thế nguy hiểm và cấp bách thì người thi hành công vụ không có đủ thời gian, không đủ minh mẫn để xác định được trường hợp nào là đang đe dọa gây nguy hiểm đến sức khỏe hay tính mạng của mình hoặc người khác. Tôi kiến nghị bổ sung điểm d, Khoản 2, Điều 24 dự thảo luật như sau: "Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác".
3. Về đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ (Điều 56):
Đề nghị bổ sung thêm đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ đó là lực lượng dân phòng. Vì lực lượng dân phòng là lực lượng tham gia quản lý, trật tự an toàn xã hội rất quan trọng ở địa phương, nhất là phối hợp với lực lượng công an tham gia tuần tra, kiểm soát, truy bắt tội phạm…. Nhưng theo dự thảo Luật, lực lượng dân phòng không thuộc đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ, nên rất khó khăn trong việc tuần tra, kiểm soát, truy bắt tội phạm. Do đó, tôi đề nghị ban soạn thảo xem xét, bổ sung lực lượng dân phòng vào đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ tại Điều 56 của dự thảo Luật này.
Tôi xin hết ý kiến. Xin trân trọng cảm ơn Quốc Hội!
Nam Nhật