TIN THẾ GIỚI

Hội nghị trực tuyến Tổng kết Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020
Ngày đăng 13/01/2022 | 09:49  | View count: 6445

Chiều ngày 12/01, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Đề án số hoá truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án số hoá truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông, Đồng chí Hồ Văn Mười- Phó Bí Thư tỉnh- Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành tham dự.

Đ/c Hồ Văn Mười - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị

Sau 9 năm triển khai Đề án, Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam đã giải phóng được băng tần 700MHz, là băng tần rất quý hiếm, dùng cho phát triển thông tin di động 5G.

Từ chỗ chỉ phủ sóng DVB-T ở trung tâm của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với khoản 50% dân cư, nay đã phủ sóng DVB-T2 ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với trên 80% dân cư (vượt 10 điểm % so với mục tiêu Đề án đặt ra).

Trước khi triển khai Đề án, 90% số hộ gia đình có máy thu hình tương tự tương đương với 18 triệu hộ. Hơn 80% trong số đó chưa xem được truyền hình số mặt đất. Đến nay, số liệu thống kê cho thấy khoảng 16 triệu hộ gia đình đã thu xem được truyền hình số qua các phương thức cáp, IPTV; trên 3,2 triệu hộ sử dụng truyền hình vệ tinh; trên 5 triệu hộ đã sử dụng truyền hình số mặt đất; 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước có thể xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.

Người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nhiều chương trình truyền hình với chất lượng cao, thu hẹp khoảng cách số về thông tin giữa vùng sâu, vùng xa và thành thị. Trước đây, với truyền hình tương tự chỉ thu xem được từ 3 đến 7 kênh chương trình có độ phân giải SD thì nay với  truyền hình số có thể thu xem đến 70 kênh chuong trình quảng bá miễn phí, trong đó có hàng chục kênh HĐ.

Sau một năm hoàn thành Đề án, trong số các phương thức truyền hình thì truyền hình số mặt đất được đông đảo người dân tại nhiều khu vực sử dụng bao gồm: Miền Tây Nam Bộ (61%), Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung (42%), Đồng bắng Sông Hồng (34%), Trung du Miền núi phía Bắc (29%), TP.Cần Thơ (29%). Trong đó tỷ lệ thu xem truyền hình số mặt đất năm 2021 tăng so với năm 2020 tại các khu vực Miền Tây Nam Bộ (tăng 3 điểm %), Bắc Trung Bộ và duyên hải Miền Trung (tăng 7 điểm%), TP.Cần Thơ (tăng 2 điểm %).

Đến nay 100% các Đài phát thanh, truyền hình địa phương đã tổ chức, sắp xếp lại bộ máy của Đài, hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, từng vức thực hiện đào tạo, sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn, phát sóng để phù hợp với yêu cầu tập trung vào sản xuất chương trình phát thanh truyền hình và Truyền dẫn phát sóng phát thanh.

Điểm cầu chính giao lưu chia sẻ kinh nghiêm cùng các điểm cầu địa phương

Tại tỉnh Đắk Nông, đến nay đã tắt sóng analog và đồng thời phát sóng số digital truyền hình mặt đất kết hợp với truyền hình số qua vệ tinh với 10 kênh VTV (VTV1 đến VTV9), và 01 kênh PTD. Phủ sóng 100% diện tích trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó: 15% phủ sóng truyền hình số mặt đất, 85% phủ sóng qua vệ tinh.

Phát biểu tại hội nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn và tri ân những cá nhân, tập thể không ngại khó khăn để triển khai thực hiện thành công Đề án. Trong tương lai, với những kinh nghiệm tốt, cách tiếp cận phù hợp của số hóa sẽ thành công hơn trong việc chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực tiếp theo. Kế thừa và mở rộng không gian mới sẽ là cách để chuyển đổi thành công chuyển đổi số Quốc gia.

Huy Hoàng