TIN NỔI BẬT

Ứng dụng khoa học - công nghệ, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển
Ngày đăng 07/12/2020 | 08:42  | View count: 66241

Thời gian qua, Tỉnh ủy và các cấp ủy trên địa bàn tỉnh Đắk Nông luôn quan tâm đến công tác triển khai thực hiện các văn bản của Đảng về lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) và đạt được những kết quả tích cực.

Khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật

Tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, có cơ chế, chính sách ưu tiên cho nhiệm vụ KH&CN, cơ bản phù hợp và từng bước đáp ứng yêu cầu hoạt động nghiên cứu, ứng dụng trong thực tiễn, đưa ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với hoạt động nghiên cứu, tỉnh khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, hình thành các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo vùng sản xuất lớn, hoạt động hiệu quả.

PGS-TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đánh giá cao những kết quả tỉnh đã đạt được trong nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường

Điển hình, các mô hình trồng quýt ở huyện Cư Jút, trồng nấm ở huyện Krông Nô; tưới tiết kiệm nước kết hợp bổ sung chất dinh dưỡng cho cây hồ tiêu và cây ăn quả ở các huyện Đắk Song, Đắk R'lấp, Krông Nô, TP. Gia Nghĩa.

Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đem lại năng suất cao như Trang trại Gia Ân (Gia Nghĩa) với quy mô 20 ha, trồng các loại cây như bơ, măng cụt, tiêu... Tại huyện Krông Nô nổi bật là sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với doanh thu đạt trên 110 triệu đồng/ha/năm, cao hơn giá lúa thông thường 25 triệu đồng/ha/năm.

Trong chăn nuôi, các giống mới năng suất cao, chất lượng tốt được quan tâm như giống bò đực Brahman nhằm cải tạo, thay thế đàn bò địa phương. Năm 2014, tỷ lệ đàn bò lai là 3%, đến nay đạt trên 25% tổng đàn bò; tổng số bê lai trên 7.600 con… Một số trang trại chăn nuôi số lượng lớn, năng suất cao được hình thành như Hợp tác xã chăn nuôi heo Đồng Tiến (Đắk R'lấp); trang trại gà của Công ty TNHH Phúc Thành ở huyện Cư Jút…

Việc sử dụng các chế phẩm sinh học, xử lý phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, thân ngô để ủ làm thức ăn cho gia súc được nông dân ứng dụng rộng rãi, hướng đến các hình thức chăn nuôi thân thiện với môi trường, đồng thời tận dụng các nguồn nguyên liệu từ phế phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hợp tác, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy trao đổi thông tin về công nghệ sinh học giữa các đơn vị cũng như tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, Đắk Nông đã triển khai một số hoạt động liên kết, hợp tác, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới với các đơn vị.

Điển hình, tỉnh hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên về ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến nông sản; sản xuất, chế biến cây dược liệu, thức ăn gia súc, phân vi sinh…

Đồng thời, tỉnh cũng tiếp cận tốt về công tác nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết các vấn đề bức xúc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh; kết nối cung cầu công nghệ giữa doanh nghiệp tỉnh với các địa phương, vùng, khu vực nhằm nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh, tạo lập và phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Nhiều nhiệm vụ khoa học - công nghệ được triển khai

Từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh có 125 nhiệm vụ KH&CN cấp Nhà nước, cấp tỉnh được triển khai trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; 17 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được đưa vào thực hiện, ứng dụng vào lĩnh vực nông nghiệp.

Trong đó, có 3 dự án ứng dụng công nghệ sinh học, xây dựng mô hình sản xuất, chế biến cà phê theo hướng an toàn, bền vững; mô hình thâm canh lúa lai và ngô lai; sản xuất giống, trồng thương phẩm và tiêu thụ gấc lai bền vững.

Ngoài ra, một số đề tài, dự án đã mang lại kết quả trong việc ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất chế phẩm phân vi sinh đa chức năng và phân bón hữu cơ vi sinh vật đa chức năng; ứng dụng công nghệ sinh học trong nhân giống và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, cây công nghiệp…

Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, mang lại hiệu quả trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, công nghiệp chế biến… Điển hình, Công ty TNHH thực phẩm công nghệ cao NASA tại Khu công nghiệp Tâm Thắng (Cư Jút) chuyên đi sâu hoàn thiện quy trình, sản xuất các giống nấm khép kín theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…

Theo Báo Đắk Nông Điện tử