TIN NỔI BẬT

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2022
Ngày đăng 01/12/2022 | 22:34  | View count: 38577

Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác bị phạt đến 20 triệu đồng; hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ điện thoại thông minh; cách xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12/2022.

Từ 12/12, hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ điện thoại thông minh

 

Từ 1/12, Bộ Ngoại giao được bổ sung nhiều nhiệm vụ mới

Có hiệu lực từ 1/12, Nghị định 81/2022/NĐ-CP ngày 14/10/2022 của Chính phủ bổ sung nhiều nhiệm vụ mới với Bộ Ngoại giao.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, Nghị định số 81/2022/NĐ-CP bổ sung nhiệm vụ về thống nhất chủ trương bầu cử tại các diễn đàn, tổ chức đa phương để bảo đảm phù hợp với chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư.

Thể hiện rõ hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kĩ năng đối ngoại hội nhập quốc tế để bảo đảm phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, nhiệm vụ do Thủ tướng Chính phủ giao và yêu cầu thực tế trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2017 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ các bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Nghị định bổ sung nhiệm vụ "Tham mưu, chuẩn hóa và thống nhất quản lý về việc sử dụng các ngôn ngữ nước ngoài thông dụng trong hoạt động chính trị, ngoại giao của Đảng và Nhà nước" để phù hợp với nhiệm vụ thực tế được giao cho Bộ Ngoại giao.

Theo đó, Bộ Ngoại giao là cơ quan duy nhất chủ trì thực hiện nhiệm vụ phiên dịch, biên dịch phục vụ các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, đồng thời là đầu mối tổ chức và thực hiện các hoạt động quy chuẩn hóa công tác biên, phiên dịch nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay.

Nghị định cũng bổ sung nhiệm vụ "Thực hiện cấp chứng minh thư cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, lãnh sự danh dự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam và thành viên gia đình theo quy định của pháp luật" để bảo đảm bao quát các nhiệm vụ Bộ Ngoại giao đang thực hiện trên thực tế nhưng chưa được quy định tại Nghị định cũ, phù hợp với quy định tại Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam năm 1993.

Ngoài ra, Nghị định bổ sung nhiệm vụ về thực hiện đại đoàn kết dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài để bảo đảm phù hợp với Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Về cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao, hợp nhất Cục Cơ yếu và Trung tâm Thông tin thành Cục Cơ yếu - Công nghệ thông tin.

Chuyển đổi mô hình tổ chức của Trung tâm Biên Phiên dịch quốc gia thành Vụ Biên Phiên dịch đối ngoại.

Giải thể Vụ Thi đua - Khen thưởng và Truyền thống ngoại giao; điều chuyển các nhiệm vụ về thi đua khen thưởng và truyền thống ngoại giao cho các đơn vị trực thuộc Bộ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng để thu gọn đầu mối tổ chức, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác bị phạt đến 20 triệu đồng

Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ ngày 12/12/2022.

Trong đó, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình.

+ Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.

Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi không công khai hoặc công khai không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của cơ sở mình.

Văn phòng nước ngoài được thuê nhà theo chính sách ưu đãi đặc biệt

Nghị định số 90/2022/NĐ-CP ngày 28/10/2022 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/12/2022. 

Trong đó, về việc quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại để cho thuê, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định cho tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài được thuê nhà, đất theo chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với từng trường hợp cụ thể; xem xét, quyết định giá cho thuê nhà đảm bảo theo giá thị trường, phù hợp với quan hệ đối ngoại, đảm bảo lợi ích của Nhà nước theo nguyên tắc "có đi có lại" đối với từng trường hợp cụ thể.

Đơn vị được giao trực tiếp quản lý nhà, đất phục vụ đối ngoại được miễn tiền thuê đất đối với diện tích nhà, đất phục vụ đối ngoại cho các tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, văn phòng nước ngoài thuê. Việc miễn tiền thuê đất thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không 

Nghị định 93/2022/NĐ-CP ngày 7/11/2022 của Chính phủ về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không có hiệu lực từ ngày 22/12/2022.

Nghị định này quy định việc quản lý, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại cửa khẩu đường hàng không; khu vực cửa khẩu đường hàng không; trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cửa khẩu đường hàng không; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu đường hàng không.

Quy định mới về cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Nghị định 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. 

Trong đó, về cơ cấu tổ chức, Bộ Công Thương có 28 tổ chức gồm:

1- Vụ Kế hoạch - Tài chính.

2- Vụ Khoa học và Công nghệ.

3- Vụ Thị trường châu Á - châu Phi.

4- Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ.

5- Vụ Chính sách thương mại đa biên.

6- Vụ Thị trường trong nước.

7- Vụ Dầu khí và Than.

8- Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững.

9- Vụ Tổ chức cán bộ.

10- Vụ Pháp chế.

11- Thanh tra Bộ.

12- Văn phòng Bộ.

13- Tổng cục Quản lý thị trường.

14- Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.

15- Cục Điều tiết điện lực.

16- Cục Công nghiệp.

17- Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo.

18- Cục Phòng vệ thương mại.

19- Cục Xúc tiến thương mại.

20- Cục Công Thương địa phương.

21- Cục Xuất nhập khẩu.

22- Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp.

23- Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

24- Cục Hóa chất.

25- Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương.

26- Báo Công Thương.

27- Tạp chí Công Thương.

28- Trường Đào tạo, bồi dưỡng Cán bộ Công Thương Trung ương.

Các tổ chức quy định từ (1) đến (24) nêu trên là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các tổ chức quy định từ (25) đến (28) nêu trên là các đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý nhà nước của bộ.

Vụ Chính sách thương mại đa biên được tổ chức 3 phòng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi được tổ chức 3 phòng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ được tổ chức 3 phòng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Chính phủ Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.

Nghị định 96/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2022; thay thế Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.

Về điều khoản chuyển tiếp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định pháp luật hiện hành cho đến khi Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Từ 12/12, hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ được hỗ trợ điện thoại thông minh

Thông tư 14/2022/TT-BTTTT ngày 28/10/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 có hiệu lực từ ngày 12/12/2022.

Trong đó quy định đối tượng được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh là hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Điều kiện được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh:

+ Hộ gia đình chưa được hỗ trợ máy tính bảng từ Chương trình hoặc thiết bị học tập trực tuyến (máy tính bảng, máy tính để bàn, máy tính xách tay) thuộc Chương trình "Sóng và máy tính cho em" (tính đến thời điểm Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ số lượng điện thoại thông minh cho các địa phương).

+ Hộ gia đình có nhu cầu hỗ trợ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách nhận hỗ trợ.

Chương trình hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh thông qua doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cho hộ gia đình theo 1 trong 2 hình thức sau:

1- Hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh kết hợp với hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất cho hộ gia đình (sau đây gọi tắt là gói dịch vụ hỗ trợ kết hợp).

2- Hỗ trợ bằng tiền (500.000 đồng/hộ) (nếu hộ gia đình thuộc danh sách được hỗ trợ đã tự mua điện thoại thông minh kể từ ngày 12/12/2022). 

Tiêu chuẩn viên chức ngành tài nguyên và môi trường  

Thông tư số 12/2022/TT-BTNMT ngày 24/10/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành tài nguyên và môi trường có hiệu lực từ ngày 9/12/2022.

Trong đó, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn đối với địa chính viên hạng II, hạng III, hạng IV; điều tra viên tài nguyên môi trường hạng II, hạng III, hạng IV; dự báo viên khí tượng thủy văn hạng II, hạng III, hạng IV;...

Cách xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao từ 10/12

Cách xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao được quy định cụ thể tại Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL ngày 25/10/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có hiệu lực từ ngày 10/12/2022.

Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thể dục thể thao quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:

Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên cao cấp (hạng I) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,2 đến hệ số lương 8,0;

Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên chính (hạng II) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,4 đến hệ số lương 6,78;

Chức danh nghề nghiệp huấn luyện viên (hạng III) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

Chức danh nghề nghiệp hướng dẫn viên (hạng IV) được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06. 

Theo chinhphu.vn