TIN KINH TẾ - XÃ HỘI
Ngày 24/11, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông có đồng chí Lê Trọng Yên- TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Toàn cảnh hội nghị
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong giai đoạn 2016-2020 hệ thống pháp luật nước ta không ngừng hoàn thiện. Hệ thống pháp luật phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôn trọng bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.
Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành: 112 văn bản (71 luật, 02 pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội, 17 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), giảm 08 văn bản so với giai đoạn 2011-2015; Chính phủ ban hành 745 nghị định tăng 24 nghị định so với giai đoạn 2011-2015 (721 văn bản), Thủ tướng chính phủ ban hành 232 quyết định giảm 129 quyết định so với giai đoạn 2011-2015(361 văn bản); các bộ cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch giảm 201 văn bản so với giai đoạn 2011-2015 (2.733 văn bản); ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản gồm: 16.341 văn bản cấp tỉnh tăng 2.552 văn bản so với giaiđoạn 2011-2015(13.789 văn bản), 12.427 văn bản cấp huyện giảm 18.320 văn bản so với giai đoạn 2011-2015 (30.747 văn bản), 64.031 văn bản cấp xã giảm 132.083 văn bản so với giai đoạn 2011-2015 (195.114 văn bản). Kết quả nêu trên cho thấy, số lượng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm so với giai đoạn 2011-2015, điều đó thể hiện chuyển dần theo hướng chỉnh tinh hệ thống pháp luật, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các luật, pháp lệnh, nghị định đáp ứng nhu cầu đời sống kinh tế - xã hội. Riêng đối với văn bản quy phạm pháp luật của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tăng so với giai đoạn trước cho thấy trách nhiệm, vai trò của các tư lệnh ngành được đề cao theo sự phân cấp trong quản lý chỉ đạo, điều hành đối với ngành, lĩnh vực. Văn bản của chính quyền địa phương giảm, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã giảm rõ rệt, các cấp này tập trung vào việc triển khai tổ chức thi hành pháp luật.
Tại Hội nghị các Bộ, ngành, địa phươngcũng thảo luận và chia sẻ những khó khăn trong quá trình xây dựng và triển khai tổ chức thi hành pháp luật như: cần nâng cao chất lượng, tính đồng bộ và phải mang kế thừa; cần đổi mới tư duy nhận thức khi xây dựng Luật,…
Đ/c Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng Chính phủ kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, biểu dương ngành Tư pháp đặt biệt là Bộ Tư pháp thực hiện tốt vai trò cơ quan gác cửa trong công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành hệ thống pháp luật của Chính phủ trong thời gian qua. Trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình và hiện đại hóa kỹ thuật xây dựng pháp luật, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm, đặc biệt là sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động.Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải là người trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, thi hành pháp luật, bố trí nguồn lực thích đáng, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương; phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác này.
Huy Hoàng