TIN KINH TẾ - XÃ HỘI
Chính phủ sẽ nỗ lực hết mình để mọi trẻ em Việt Nam được sinh ra, sống, trưởng thành trong môi trường, điều kiện tốt nhất; kế tiếp các lớp cha anh trở thành chủ nhân, đưa đất nước phát triển như câu nói “Con hơn cha là nhà có phúc”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp phiên họp Quốc hội, ngày 27/5. |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp Quốc hội, ngày 27/5, về chuyên đề giám sát tối cao thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng trân trọng cám ơn Quốc hội, Đoàn Giám sát, các cơ quan, tổ chức cùng toàn thể nhân dân đã luôn chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện, đồng hành cùng Chính phủ trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và trong phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.
Quá trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao đã có tác động rất tích cực để các cấp chính quyền cùng toàn xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Báo cáo giám sát cho thấy thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em, đặt trong tương quan tình hình phát triển kinh tế-xã hội đất nước và mối quan hệ, hợp tác quốc tế cũng như trong tổng thể công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Đặc biệt, Báo cáo đã phân tích bối cảnh tình hình mới, từ đó đề ra các giải pháp, khuyến nghị rất cụ thể với các cơ quan trong cả hệ thống cũng như toàn xã hội.
Chính phủ sẽ nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, khuyến cáo của Đoàn giám sát, thực hiện đầy đủ các chỉ đạo của Quốc hội về công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Để trẻ em Việt Nam được sinh ra, sống, trưởng thành trong môi trường, điều kiện tốt nhất, thể hiện sự ưu việt của chế độ và truyền thống tốt đẹp của Dân tộc Việt Nam; kế tiếp các lớp cha anh trở thành chủ nhân, đưa đất nước phát triển như câu nói "Con hơn cha là nhà có phúc".
Nhận thức sâu sắc, đầy đủ sẽ có giải pháp, nguồn lực
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh một số điểm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo Bộ LĐTBXH cùng các cơ quan liên quan chú ý trong quá trình thực hiện công tác trẻ em, nhất là trong việc chuẩn bị Chương trình hành động quốc gia về trẻ em giai đoạn 2021-2030.
Thứ nhất, trong xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án… cần hết sức chú trọng các chỉ số, tiêu chí, giải pháp… liên quan tới chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Đặc biệt cần có các chương trình, đề án, dự án cụ thể đối với các vấn đề về giới, trẻ em vùng núi, vùng dân tộc ít người và nhóm trẻ em yếu thế…
Đối với công tác trẻ em, cần rất chú trọng đặc biệt công tác chăm sóc, giáo dục bên cạnh bảo vệ. Trong công tác bảo vệ cần đặc biệt chú ý phòng xâm hại bên cạnh việc chống.
Thứ hai, từ yêu cầu phòng ngừa cần tiếp cận theo mô hình quản lý rủi ro và đưa ra các quyết định, giải pháp dựa trên phân tích dữ liệu. Muốn vậy, chúng ta cần xác định, hệ thống hóa những nguy cơ và hình thành ngay cơ sở dữ liệu về trẻ em.
Thứ ba, cần phân tích những yếu tố có tính tập tục, thói quen không còn phù hợp như "yêu cho roi cho vọt", thói quen bao bọc trẻ em hơn mức cần thiết, từ đó dẫn tới hạn chế việc lắng nghe trẻ em nói. Bên cạnh đó, chúng ta cần tập trung vào những tác động mặt trái của công nghệ, của hội nhập (internet, phim ảnh, du lịch…) , để có giải pháp bảo vệ trẻ em phù hợp.
Thứ tư, chúng ta cần tăng cường phối hợp không chỉ giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể, mặt trận tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà cần chú ý phối hợp với các tổ chức xã hội. Hình thành mạng lưới bảo vệ trẻ em đều khắp, không chỉ là của các cơ quan nhà nước mà của toàn xã hội.
Thứ năm, bên cạnh yêu cầu điều tra, xét xử để trừng trị những người vi phạm pháp luật, bảo vệ nạn nhân, chúng ta cần có nhiều giải pháp đồng bộ để một mặt giảm thực chất các hành vi vi phạm, xâm hại trẻ em; nâng tỷ lệ vụ việc vi phạm được tố giác, xử lý. Chính phủ sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan hành chính, đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan kiểm sát, tòa án để mảng công tác này tiếp tục có những tiến bộ thực chất.
Điểm cuối cùng, theo Phó Thủ tướng, mặc dù pháp luật còn cần tiếp tục hoàn thiện, các chương trình, đề án… cần được tiếp tục xây dựng như Báo cáo khuyến nghị, nhưng quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện.
Ngay trong giai đoạn thực hiện giám sát, bên cạnh Luật Trẻ em đã có 18 Luật, 34 Nghị định, Chương trình, Đề án cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 32 văn bản của các bộ, ngành được ban hành liên quan đến công tác trẻ em, đã tương đối đầy đủ. Quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện và để làm tốt thì những yếu tố như bộ máy, ngân sách là rất quan trọng nhưng quan trọng hàng đầu là nhận thức. Một khi người đứng đầu các cơ quan nhận thức sâu sắc, đầy đủ thì sẽ có giải pháp, sẽ ưu tiên nguồn lực.
"Các đề án, chương trình tới đây của Chính phủ phải xác định rõ hơn trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan và trách nhiệm của người đứng đầu", Phó Thủ tướng cho biết.
Vững tin, nỗ lực và phát huy hơn nữa giá trị truyền thống tốt đẹp
Đồng tình với Báo cáo giám sát cũng như ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phân tích, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chúng ta không thể hài lòng với số vụ việc trẻ em bị xâm hại nhưng cũng vững tin vào các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ, cam kết thực hiện Chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững mà Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng với rất nhiều các chỉ tiêu, tiêu chí liên quan tới trẻ em đạt mức cao hơn nhiều so với các quốc gia có cùng trình độ phát triển.
Chúng ta không hài lòng đối với một số cơ quan chính quyền chưa nhận thức tốt, chưa tập trung đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ trẻ em. Nhưng chúng ta cũng không quên ghi nhận, tôn vinh phần đông các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các ngành luôn nỗ lực dành cho công tác trẻ em nhiều tâm huyết. Hình ảnh những cô giáo "gùi" chữ lên bản, các thầy thuốc băng rừng tiêm chủng cho trẻ em, phần nào nói lên điều đó.
Chúng ta nhận thức rõ những tập tục, thói quen không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại cần từng bước điều chỉnh nhưng cũng hết sức tự hào với truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã làm lên những giá trị văn hóa, nhân văn được thế giới trân trọng, ngưỡng mộ, trong đó có truyền thống hiếu thảo trong gia đình, các thế hệ yêu thương, chăm lo đùm bọc lẫn nhau.
Những vụ việc trẻ em bị xâm hại, nhất là xâm hại tình dục, bởi người thân, bởi thầy giáo hay người ruột thịt là rất đáng lên án, và phải xử lý nghiêm khắc nhưng cũng chỉ là rất cá biệt, không làm thay đổi được hình ảnh tốt đẹp của người thầy hay giá trị của gia đình Việt Nam.
"Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhất, hiệu quả nhất nghị quyết giám sát mà Quốc hội sẽ ban hành và tin tưởng rằng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung, và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng nhất định sẽ đạt được kết quả tốt hơn, vững chắc hơn", Phó Thủ tướng nói.
Theo chinhphu.vn