TIN KINH TẾ - XÃ HỘI
Giai đoạn 2015-2020, dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế - xã hội của thành phố Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Một góc thành phố Gia Nghĩa hôm nay. Ảnh: Công Tính |
Đề cập đến sự phát triển của thành phố Gia Nghĩa trong giai đoạn qua, ông Trần Đình Ninh, Chủ tịch UBND thành phố Gia Nghĩa đưa ra những thống kê, so sánh đầy ấn tượng. Theo đó, trước đây Gia Nghĩa trung tâm của tỉnh nhưng đường sá, hệ thống hạ tầng cơ sở có những giai đoạn hết sức khó khăn. Thế nhưng, sau giai đoạn phấn đấu cật lực, tất cả hệ thống hạ tầng cơ sở của thành phố gần như thay đổi toàn bộ, đặc biệt hệ thống giao thông đô thị, chiếu sáng, cây xanh... đã có sự thay đổi cơ bản. Thu ngân sách trước đây chỉ có vài tỷ đồng mỗi năm, nhưng bây giờ đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm. Thu ngân sách trên địa bàn thành phố tăng bình quân hàng năm 17,9%, còn chi ngân sách cũng tăng trung bình 12,9%/năm.
Cũng theo ông Trần Đình Ninh, thời gian qua, thành phố đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 23 tuyến đường và 2 dự án hoa viên - cây xanh, 2 dự án khu dân cư và 3 trụ sở, kho lưu trữ. Hệ thống chiếu sáng ở khu vực như trung tâm hành chính tỉnh, trung tâm hành chính thành phố, các khu dân cư, điểm dân cư đều được đầu tư xây dựng. Địa phương cũng tập trung nguồn vốn chỉnh trang đô thị, góp phần xây dựng thành phố Gia Nghĩa ngày càng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội...
Một trong những dấu ấn về sự phát triển của đô thị Gia Nghĩa đó là công nghiệp có những bước phát triển đáng kể và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung trên địa bàn. Thành phố Gia Nghĩa hiện có 422 cơ sở sản xuất, chế biến, với 2.140 lao động (tăng 44 cơ sở và 1.031 lao động so với năm 2015). Gia Nghĩa đã và đang phát triển các ngành nghề đặc thù như sản xuất và phân phối điện, chế biến nông sản, công nghiệp khai thác, vật liệu xây dựng...
Thành phố Gia Nghĩa đến nay đã có hơn 4.266 cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tăng 912 cơ sở so với năm 2015. Thành phố tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm và liên kết trong sản xuất, kinh doanh để phát triển. Hệ thống hạ tầng cơ sở thương mại, dịch vụ đang được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống chợ, siêu thị cơ bản được hình thành, đáp ứng nhu cầu kinh doanh, buôn bán và tiêu dùng của Nhân dân. Hoạt động ngân hàng, tín dụng, nhà hàng, khách sạn tăng nhanh, góp phần đem lại nhu cầu tiện ích của người dân.
Chế biến cà phê Enjoy tại thành phố Gia Nghĩa |
Ông Trần Đình Ninh chia sẻ: Hiện nay thương mại, dịch vụ của thành phố Gia Nghĩa phát triển rõ rệt. Trước đây, chúng ta muốn mua một chiếc xe máy, tủ lạnh thôi, có khi cũng phải lên tận thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) hoặc xuống thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng bây giờ, chúng ta có thể mua bất cứ thứ gì ngay tại Gia Nghĩa. Hoạt động thương mại, dịch vụ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Gia Nghĩa. Hiện nay đa số các ngân hàng lớn đã kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố và tôi nghĩ đó là kết quả nổi bật. Tư duy của người dân cũng thay đổi rõ rệt. Họ đã có nếp sống đô thị rồi. Thu ngân sách của thành phố từ thương mại, dịch vụ chiếm 52%; công nghiệp là 37%, còn nông nghiệp giờ đây chỉ có hơn 12%.
Nói thêm về tư duy của người dân hiện nay, ông Trần Đình Ninh cho rằng đã có sự thay đổi rõ nét. "Nông dân đa số đã có tư duy hoạt động thương mại, dịch vụ. Nông nghiệp nhiều, nhưng thu ngân sách chỉ chiếm số ít và giảm dần. Điều đó chứng minh rằng, tư duy của họ đang chuyển dần sang thương mại, dịch vụ. Tất nhiên không thể một lúc chuyển đổi ngay tất cả, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên cần có quá trình nữa", ông Ninh nhấn mạnh.
Theo Báo Đắk Nông điện tử