TIN KINH TẾ - XÃ HỘI

Hội thảo khoa học với chủ đề Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam
Ngày đăng 15/01/2019 | 14:41  | View count: 199680

Trong khuôn khổ Chương trình Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất mang chủ đề "Văn hóa thổ cẩm - tinh hoa hội tụ" diễn ra tại Đắk Nông từ ngày 14 - 16/1/2019. Sáng nay, (ngày 15/1), tại thị xã Gia Nghĩa, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự Hội thảo có đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng gần 100 đại biểu là nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian từ các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, Học viện, các chuyên gia, nhà quản lý văn hóa đến từ các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh giá trị văn hóa thổ cẩm của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên cả nước. Riêng tỉnh Đắk Nông có hơn 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng cho mảnh đất phía Nam Tây Nguyên. Đây là nơi lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng và đặc sắc, trong đó thổ cẩm là một trong những phương tiện biểu đạt. Thổ cẩm cũng là di sản văn hóa quý giá, giàu tính nhân văn cần được bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, theo thời gian, thổ cẩm các dân tộc Việt Nam đang dần bị mai một, vì vậy, Hội thảo lần này là hoạt động vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có giá trị thực tiễn nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa thổ cẩm của các dân tộc Việt Nam.

Nhà nhiên cứu Linh Nga NieK Dăm báo cáo tham luận Thổ cẩm Tây Nguyên, nhìn từ góc độ bảo tồn di sản văn hóa

Tại hội thảo các đại biểu đã phát biểu tham luận đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa thổ cẩm của các dân tộc Việt Nam: Thổ cẩm Tây Nguyên nhìn từ góc độ bảo tồn di sản văn hóa; Hoa văn trang trí trên trang phục của người M'nông; dệt thổ cẩm Tây Nguyên thời kinh tế thị trường; Tìm hiểu vai trò của văn hóa thổ cẩm trong đời sống kinh tế, xã hội của các dân tộc Việt Nam…

Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đề nghị, chính quyền các địa phương và cả nước nói chung cần nhìn nhận đúng về thực trạng văn hóa thổ cẩm tại địa phương mình và có hướng phát triển phù hợp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa thổ cẩm; các ngành, các cấp cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo tồn và phát triển văn hóa thổ cẩm cũng như có nhiều chính sách quan tâm tới các nghệ nhân…

Song Nguyên