TIN KINH TẾ - XÃ HỘI
Đắk Nông là tỉnh miền núi, biên giới được thành lập đầu năm 2004, nằm ở cửa ngõ phía Nam của Tây Nguyên, có Quốc lộ 14 nối thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên, hơn 130 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri và 02 cửa khẩu là Bu Prăng và Đắk Per nối với các tỉnh: Mondulkiri, Kratie, Kandal, Phnom Penh ... của nước bạn Campuchia.
Hiện nay, tỉnh Đắk Nông có 8 đơn vị hành chính cấp huyện (7 huyện và 01 thị xã); 71 đơn vị hành chính cấp xã (05 phường, 05 thị trấn và 61 xã) với 789 thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố. Toàn tỉnh có 25.144 hộ nghèo, chiếm 16,57% hộ; trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số có 15.211 hộ, chiếm 34,49% so với số hộ dân tộc thiểu số và chiếm 60,49% so với tổng hộ nghèo toàn tỉnh. Dân tộc thiểu số tại chỗ có 6.383 hộ nghèo, chiếm 44,45% so với tổng số hộ. Hộ cận nghèo: có 10.636 hộ, chiếm 7,01% so với số hộ toàn tỉnh, trong đó, hộ cận nghèo dân tộc thiểu số có 4.523 hộ, chiếm 10,25% so với số hộ dân tộc thiểu số và chiếm 42,52% hộ cận nghèo toàn tỉnh; Dân tộc thiểu số tại chỗ có 1.881 hộ, chiếm 13,1% tổng số hộ.
Qua 10 năm thực hiện các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực triển khai thực hiện của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc, tỉnh Đắk Nông đã đạt nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các công trình hạ tầng thiết yếu được xây dựng như: Đường giao thông (tỷ lệ nhựa hóa đường từ 29% lên 59%); xây dựng, nâng cấp sửa chữa được 166 công trình thủy lợi, nâng tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn toàn tỉnh lên 257 công trình; 99% số thôn, buôn có điện, 97% số hộ sử dụng điện thường xuyên, đảm bảo chất lượng; đầu tư xây dựng mới được 12 chợ và sửa chữa 4 chợ huyện, chợ xã. Các công trình: trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hoá,... các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, …cũng được quan tâm đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc trong việc giao thông đi lại, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá làm thay đổi bộ mặt đời sống, kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với việc phát triển kinh tế, sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được xây dựng và phát triển. Thiết chế văn hóa cơ sở và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được đầu tư, bảo tồn và phát triển, hệ thống bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được mở rộng, công tác giáo dục và đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm đều tăng về số lượng và chất lượng. Hệ thống chính trị cơ sở trong đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được kiện toàn tăng cường cả về số lượng và chất lượng, công tác đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ là người dân tộc thiểu số được coi trọng. Công tác an ninh, quốc phòng vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được củng cố và giữ vững.
Tuy nhiên, điểm xuất phát của đồng bào các dân tộc thiểu số thấp so với mặt bằng chung; công tác chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền chưa sâu sát; nguồn lực đầu tư của Trung ương và của tỉnh chưa kịp thời và hạn chế, một số chính sách đầu tư còn thấp dẫn đến đầu tư dàn trải và hiệu quả đạt thấp, không đạt mục tiêu đề ra; nhiều chính sách và nhiều đầu mối quản lý dẫn đến chồng chéo, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành thiếu đồng bộ, có nơi cấp uỷ và chính quyền chưa nhận rõ và tập trung làm tốt trách nhiệm của mình đối với vùng dân tộc thiểu số, thiếu biện pháp cụ thể trong triển khai thực hiện; tình trạng dân di cư tự do chưa có biện pháp hữu hiệu để giải quyết hiệu quả. Công tác tuyên truyền vận động, nguyên tắc công khai các chính sách để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra ở một số địa phương còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ tại chỗ còn thiếu và yếu, trình độ quản lý, năng lực điều hành chưa đáp ứng được yêu cầu, một số địa phương chưa quan tâm bố trí cán bộ có đủ năng lực lãnh đạo làm công tác dân tộc. Ý chí tự lực, tự vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số, tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn tồn tại. Do đó, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên địa bàn tỉnh gặp không ít những khó khăn, hạn chế: Chính sách dân tộc hiện nay đã được ban hành và thực hiện khá đầy đủ, toàn diện trên các lĩnh vực và phủ kín địa bàn vùng dân tộc, tuy nhiên, do nằm rải rác ở các văn bản khác nhau, thuộc nhiều Bộ, ngành quản lý, các chính sách phân tán, mỗi chương trình, đề án thuộc các Bộ, ngành có cơ chế quản lý khác nhau nên rất khó lồng ghép, việc tham mưu quản lý nhà nước về công tác dân tộc còn gặp khó khăn. Công tác phối hợp giữa các ngành và địa phương theo chức năng quản lý nhà nước còn hạn chế dẫn đến thực hiện các chính sách thiếu đồng bộ, hiệu quả chính sách chưa cao. Một số chính sách mang tính giai đoạn, quy định cứng về chế độ, định mức, chưa theo kịp với biến động giá cả thực tế nên hiệu lực pháp lý chưa cao, thiếu ổn định lâu dài. Mặt khác, đa số các chính sách đã được ban hành nhưng trong quá trình thực hiện nguồn lực tài chính chưa đảm bảo nên nhiều chính sách chưa đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, nhưng chưa đồng đều giữa các vùng, các bộ phận dân cư và thiếu bền vững, khả năng tái nghèo cao, trình độ sản xuất lạc hậu. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng dân tộc thiểu số nghèo còn cao; phân hoá giàu nghèo, khoảng cách chênh lệch mức sống giữa vùng thành thị và nông thôn, giữa dân tộc đa số và thiểu số có xu hướng ngày càng tăng. Mức độ phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao,... trong đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp so với mức bình quân chung. Tình trạng di dân tự do, mua bán lấn chiếm, tranh chấp đất đai,.. trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục diễn ra nhiều nơi, an ninh nông thôn, an ninh chính trị có nơi còn tiềm ẩn những yếu tố bất lợi.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có những đóng góp đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới của đất nước nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng, do đó để phát triển ngành nông - lâm - ngư nghiệp của tỉnh Đắk Nông một cách toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần thực hiện có hiệu quả những giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng nhận thức mới về vai trò, nhiệm vụ của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới; Đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại; Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại; Đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; Bảo vệ tài nguyên, môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; Đổi mới về cơ chế chính sách và tổ chức sản xuất ở nông thôn thúc đẩy phát triển nông thôn gắn với xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ...; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông thôn; Có các giải pháp cơ bản để KH&CN trở thành động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế;...
Đặc biệt, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước; đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp,... Bởi lẽ: "ở đâu cấp ủy, người đứng đầu quan tâm sâu sắc, chỉ đạo quyết liệt thì ở đó, nông nghiệp, nông thôn sẽ phát triển mạnh mẽ" - Thủ tướng Chính phủ.
H.M