TIN KINH TẾ - XÃ HỘI
Chiều 08/11, tại phiên thảo luận ở tổ của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa 14 về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), ông Võ Đình Tín – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã tham gia góp một số ý kiến vào dự thảo Luật nói trên.
Đại biểu Võ Đình Tín tham gia thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) |
Đại biểu Tín nêu lên việc quy định độ tuổi học sinh tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 27 của Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Theo đó, tuổi của học sinh vào học lớp một là 6 tuổi, tuổi của học sinh vào học lớp năm là 11 tuổi, tuổi của học sinh vào lớp 10 là 15 tuổi. Theo đại biểu, việc quy định độ tuổi của học sinh tại các cấp học như vậy là quá cứng nhắc và gây không ít khó khăn cho các em học sinh, đặc biệt là học sinh ở các vùng sâu vùng xa vì trên thực tế đã có nhiều học sinh tham gia các cấp học không đúng độ tuổi như quy định tại dự thảo Luật vì nhiều lý do khác nhau. Trường hợp như đối với các cháu ở vùng sâu vùng xa, với điều kiện còn nhiều khó khăn, gia đình thường xuyên di chuyển từ nơi này sang nơi khác, thậm chí có cháu do đau ốm phải chữa bệnh trong dài hạn thì việc tham gia học theo đúng độ tuổi rất khó thực hiện được.
Đại biểu Tín cho rằng cần có quy định mở hơn về độ tuổi học sinh để cho các em học sinh có được cơ hội bình đẳng trong học tập kể cả trong điều kiện khó khăn; bởi việc học tập đã được chúng ta xác định là ưu tiên hàng đầu, đồng thời hàng năm ngành giáo dục cũng đang nỗ lực để xóa mù chữ ở các cấp học. Như vậy, thay vì quy định như trên, Luật nên quy định: Độ tuổi vào lớp 1 là từ 6 tuổi, độ tuổi vào lớp 5 là từ 11 tuổi và lớp 10 là từ 15 tuổi.
Về chính sách cử tuyển, Đại biểu Tín cơ bản đồng ý với việc sửa đổi điều 84 về chính sách cử tuyển theo hướng thu hẹp đối tượng được thụ hưởng; điều này là phù hợp với nhu cầu của địa phương và đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như chất lượng trong học tập. Tuy nhiên, điều mà đại biểu Tín băn khoăn đó là về chất lượng đào tạo đối với học sinh thuộc diện cử tuyển. Đại biểu Tín chỉ rõ, trên thực tế trong những năm gần đây, ở nhiều địa phương các đối tượng cử tuyển sau khi tốt nghiệp ra trường thì không bố trí được việc làm, trong đó nguyên nhân cơ bản là do chất lượng đầu ra rất kém. Được biết thời gian qua việc đào tạo cử tuyển chủ yếu tập trung chủ yếu ở 2 lĩnh vực là sư phạm và y tế. Đây vốn là 2 lĩnh vực nhạy cảm vì liên quan đến giáo dục, đến sức khỏe và tính mạng người dân, nếu không thận trọng trong việc bố trí công việc thì hệ lụy sẽ rất khó lường. Trong khi đó, nhiều sinh viên cử tuyển lĩnh vực sư phạm nhưng sau khi ra trường lại không có đủ kiến thức và phương pháp giảng dạy để đảm nhận vị trí đứng lớp; hoặc tốt nghiệp hệ cử tuyển về lĩnh vực y tế nhưng khi ra trường không thể chẩn đoán được bệnh, thậm chí chẩn đoán nhầm… Để khắc phục vấn đề này, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc việc nghiên cứu, bổ sung, xây dựng các tiêu chí về đối tượng cử tuyển, xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo thông qua hình thức cử tuyển, gắn với quy hoạch cán bộ cũng như nhu cầu sử dụng cán bộ ở từng địa phương.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang |
Cũng thảo luận về vấn đề cử tuyển, Đại biểu Quốc Hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang chỉ ra, theo báo cáo hiện nay trên cả nước mới có 78 học sinh cử tuyển. Trong các báo cáo có đưa ra các con số thống kê về chế độ cử tuyển qua các năm và bố trí học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường nhưng không khớp với nhau. Việc cử tuyển trong thời gian qua cũng có vấn đề khi chỉ đặt ra đối với 8 tỉnh, nhưng lại không phải là những địa phương có nhiều dân tộc ít người. Thế nhưng, khi sửa chính sách cử tuyển thì đưa ra quy định rất chung chung. Cũng theo đại biểu Giang, việc bố trí việc làm cho đối tượng cử tuyển không chỉ mình Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể làm được mà còn liên quan đến việc tuyển dụng và sử dụng đội ngũ viên chức, công chức, cụ thể là liên quan đến Bộ Nội vụ... Đại biểu Giang cho rằng tất cả các vấn đề trên về chính sách cử tuyển cần phải được xem xét và quy định cụ thể hơn.
Sam Nguyễn