TIN KINH TẾ - XÃ HỘI

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang tham gia thảo luận tại hội trường về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020
Ngày đăng 29/10/2018 | 16:27  | View count: 20787

Sáng 29/10, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về: Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và Kế hoạch tài chính - ngân sách Mhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020. Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Nguyễn Trường Giang đã tham gia phát biểu về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang. Ảnh Truyền hình Quốc hội

 

Theo đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang đã nêu lên một số vấn đề còn băn khoăn như: Tổng mức đầu tư theo Nghị quyết 26/2016/QH14 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, tối đa là 2 triệu tỷ mà không ấn định đúng 2 triệu tỷ; Qua theo dõi việc dự toán và quyết toán hàng năm cho thấy việc cân đối ngân sách trung ương là hết sức khó khăn, tỷ lệ bội chi cho ngân sách vẫn còn ở mức cao; Nghị quyết 26/2016/QH14 cũng như quy định về việc dự phòng bao gồm 10% dự phòng chung theo nguồn vốn và 10% dự phòng trên tổng mức được phân bổ cho từng bộ, ngành, địa phương, đồng thời cũng quy định cả việc sử dụng phần dự phòng này. Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị một số nội dung như sau:

Một là, Chính phủ phải đánh giá thật kỹ lưỡng báo cáo cụ thể về khả năng cân đối nguồn vốn, sau khi tổng hợp tất cả các nguồn, kể cả nguồn vốn mới phát sinh thì mới bảo đảm tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn cho cả giai đoạn 2016 - 2020, không vượt mức 2 triệu tỷ. Ví dụ, dự án chống ngập của Thành phố Hồ Chí Minh được bố trí 10.000 tỷ, sau đó Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 về việc thí điểm cơ chế tài chính đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh thì Thành phố Hồ Chí Minh không phải nộp vào ngân sách trung 20.000 tỷ, từ nguồn thu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố và ngân sách trung ương không bố trí 10.000 tỷ đồng cho dự án chống ngập. Kế hoạch bố trí 10.000 tỷ đồng này sẽ bố trí cho các dự án khác, nếu cân đối được nguồn thu thì mới phân bổ theo đề xuất của Chính phủ.

Theo báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn thì kế hoạch tài chính 3 năm vốn ngân sách trung ương dự kiến cho đầu tư công là 414,5 nghìn tỷ, vốn phân bổ chi tiết là 475,39 nghìn tỷ, thiếu khoảng 60.000 tỷ chưa kể dự án đường ven biển chuyển từ hình thức PPP sang đầu tư từ ngân sách cũng cần vốn ngân sách nhà nước, giảm 60.000 tỷ phát hành trái phiếu Chính phủ sang vay nước ngoài mà vay nước ngoài thường gắn với công trình, dự án cụ thể đã được xác định trong hiệp định vay. Như vậy, những công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ khả năng thiếu vốn rất lớn. Do vậy, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị phải đánh giá kỹ lưỡng về khả năng nguồn thu, nếu có nguồn thu bảo đảm thì mới bố trí được cho các dự án, nếu không thì nên giảm kế hoạch đầu tư công.

Hai là, đối với việc phân bổ vốn dự phòng chung của kế hoạch, đại biểu Giang đề nghị sử dụng dự phòng phải bảo đảm tuân thủ đúng quy định thực hiện theo khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội. Cụ thể là chỉ được sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngân sách nhà nước bảo đảm theo kế hoạch và được sử dụng cho các mục tiêu thật sự cần thiết, bất khả kháng, cấp bách. Ví dụ, tại trang 33 của tờ trình về tiêu chí phân bổ dự phòng chung lại lấy nguồn dự phòng này để thanh toán cho các khoản nợ, đại biểu cho rằng nợ đến hạn phải sử dụng nguồn khác, nguồn dự phòng chung chỉ được sử dụng vào đúng mục đích theo quy định tại Điều 26 của Luật Đầu tư công.

Bên cạnh đó, trong tờ trình có đưa ra nguyên tắc, thứ tự ưu tiên sử dụng nguồn dự phòng chung từ trang 33 đến tháng 35 và không rõ phân bổ hết 182 nghìn tỷ đồng dự phòng chung hay có để lại hay không. Về vấn đề này, đại biểu Giang cho rằng thời gian thực hiện đầu tư công trung hạn vẫn còn hơn hai năm, trong khoảng thời gian này, vẫn có thể phát sinh những nhiệm vụ cần thiết, cấp bách, bất khả kháng do nguồn thu không bảo đảm. Do vậy, đại biểu đề nghị khi phân bổ nguồn dự phòng chung này, vẫn phải để lại một phần dự phòng để xử lý những vấn đề cấp thiết, bất khả kháng, cấp bách có thể phát sinh trong thời gian 2 năm tới và cũng là để dự phòng trong trường hợp nguồn thu không bảo đảm.

Về phân bổ nguồn kinh phí còn lại của Ngân sách nhà nước năm 2017, đối với nguồn kinh phí 18.926,5 tỷ chưa sử dụng, đại biểu Giang tán thành với đề xuất của Chính phủ và ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách. Đối với dự toán chi thường xuyên, ngân sách trung ương 13.539,4 tỷ của một số bộ, ngành, qua nghiên cứu tờ trình, báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thì đây là dự toán chi từ nguồn chi kinh phí thường xuyên, không là khoản tăng thu, tiết kiệm chi, thực tế là chưa thực hiện dự toán. Đồng thời, pháp luật không quy định về chi thường xuyên có tính chất xây dựng cơ bản, chỉ chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, trong chi đầu tư phát triển có chi xây dựng cơ bản. Vì vậy, theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Ngân sách nhà nước thì tất cả các khoản này không được chuyển nguồn đến hết năm ngân sách, kể cả thời gian chỉnh lý tức là đến hết ngày 31/1/2018, phải hủy bỏ toàn bộ các dự toán. Mặt khác, do đây không phải khoản tăng thu, tiết kiệm chi nên không thể áp dụng khoản 4 Điều 64 Luật Ngân sách nhà nước để trình Quốc hội xác định cho phép chuyển nguồn thực hiện trong năm sau. Do vậy, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị giữ đúng kỷ luật, kỷ cương tài chính, hủy bỏ các dự toán xin 13.539,4 tỷ này để đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

T.T