TIN KINH TẾ - XÃ HỘI

Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo phương thức “3 đồng, 2 vừa”
Ngày đăng 08/10/2018 | 15:22  | View count: 2675

Thời gian gần đây, cụm từ "3 đồng, 2 vừa" được nhiều người nhắc đến như một giải pháp mới trong sản xuất nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về nâng cao giá trị cạnh tranh cho nông sản địa phương.

Về vấn đề này, ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Khi đồng nhất về giống cũng có nghĩa là chúng ta sẽ xây dựng, công nhận được những vườn giống, bộ giống cây trồng, vật nuôi đạt chuẩn của tỉnh. Thực tế, khi đồng nhất về giống thì nông dân sẽ có nhiều cái lợi như bảo đảm về giống sạch bệnh, các ưu điểm vượt trội về năng suất, sản lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu làm tiền đề triển khai cùng quy trình kỹ thuật canh tác, nhất là tại các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Phan Trung Năm, thôn 9, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) đã áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác nên 3 ha cà phê đạt năng suất, chất lượng cao hơn

Cùng quan điểm về những lợi ích khi phát triển sản xuất theo phương thức "3 đồng", ông Phan Trung Năm, thôn 9, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) cho rằng: Thực tế thì gia đình không có được sự đồng nhất về giống bởi cà phê được mua nhiều nơi. Nhưng từ năm 2012 đến nay, gia đình áp dụng cùng kỹ thuật theo bộ quy tắc sản xuất cà phê quốc tế 4C (Bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê) thì có những cái lợi lớn. Cụ thể, theo bộ quy tắc này thì thời gian nào, làm việc gì rất rõ ràng, khoa học, từ bón phân, loại phân, lượng phân, cắt tỉa cành, tạo tán, phòng bệnh, thu hái đúng cách. Chung kỹ thuật canh tác đã tạo được sự phát triển cân đối trong vườn rẫy của mình, cây ra hoa, đậu quả đều, giảm bớt tình trạng chỗ này mới ra hoa, chỗ kia đã đậu quả.

"Chất lượng sản phẩm tốt hơn, đồng đều về mẫu mã nên giá cà phê thường bán cao hơn so với thị trường bên ngoài, nhất là khi gia đình có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp chế biến, không lo việc được mùa mất giá", ông Năm khẳng định.        

 

 "3 đồng" được định nghĩa là đồng nhất về giống, công nghệ, kỹ thuật canh tác và đồng nhất về sản phẩm. "2 vừa" là vừa sản xuất tập trung, vừa sản xuất phân tán.

 

Cùng với "3 đồng", thì áp dụng "2 vừa" khi sản xuất tập trung vào những vùng có điều kiện phù hợp, có lợi thế, cây, con, có tính cạnh tranh sẽ tạo ra được những cánh đồng lớn, rẫy lớn với sản phẩm có tính hàng hóa cao. Về  nội dung này, theo ông Lê Văn Lực, Giám đốc Hợp tác xã Đắk Tân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) thì việc tích tụ ruộng, đất sẽ không khó bởi nhu cầu tự thân của nông dân để đồng bộ về kỹ thuật, sản phẩm,  giúp hình thành các khu, vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung, ổn định.

Có thể nói, "3 đồng, 2 vừa" là phương thức tổ chức sản xuất khoa học. Vì vậy, nhân rộng và thực hiện bài bản phương thức này, trong đó thu hút nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cùng liên kết, hợp tác gắn với chuỗi giá trị đang là vấn đề đặt ra cho các cấp, ngành trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Theo Đắk Nông Online