TIN KINH TẾ - XÃ HỘI
Thực hiện Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; Công văn số 95/TWPCTT ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai. Ngày 14/8/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 420/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Công tác phòng, chống thiên tai phải được xem là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp bách vừa lâu dài; phải thực hiện thường xuyên, có hiệu quả; Phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của cấp ủy, quản lý của chính quyền các cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể; Phòng, chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro tổng hợp theo lưu vực, liên vùng, liên ngành; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình phải đánh giá đầy đủ các tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai; Phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới; Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, theo hướng đa mục tiêu; khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống; Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
Để nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước; tạo điều kiện phát triển bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và từng bước xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai. Một số giải pháp tổng thể được đưa ra tại Kế hoạch như:
Thể chế, chính sách: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đồng bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp quy định, hướng dẫn của Trung ương; có chế tài để thực thi hiệu quả các quy định pháp luật trong phòng, chống thiên tai, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước; Ban hành chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hoá khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phòng chống thiên tai, nhất là trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ công và bảo hiểm rủi ro thiên tai; Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Tổ chức, bộ máy: Kiện toàn, nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, tăng cường và phát huy vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp trong thực hiện nhiệm vụ được phân công; Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp, trên cơ sở sắp xếp lại các tổ chức hiện có, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống thiên tai trong tình hình mới; Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp từ tỉnh đến cơ sở theo hướng chuyên nghiệp, thường xuyên được đào tạo, tập huấn để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
Cơ sở hạ tầng: Đầu tư, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, củng cố, nâng cấp hệ thống kênh mương, hồ chứa nước; kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố hồ đập, các công trình phòng, chống thiên tai; nâng cao khả năng tiêu thoát nước, quản lý chặt chẽ, hạn chế việc lấn chiếm hành lanh thoát lũ của sông, suối, san lấp ao, hồ…; Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, hỗ trợ ra quyết định phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, trước hết là trung tâm chỉ đạo, điều hành cấp tỉnh, cấp huyện, từng bước hiện đại hóa; Đầu tư hiện đại hoá, tự động hóa hệ thống quan trắc, cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai; đẩy mạnh xã hội hoá một số hoạt động khí tượng thủy văn, xây dựng hệ thống quan trắc chuyên dùng phòng, chống thiên tai.
Thông tin, truyền thông, đào tạo: Đầu tư trang thiết bị phù hợp với từng khu vực, nhất là tại cơ sở, đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai của cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai, các cấp chính quyền đến được với người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai, các rủi ro thiên tai trong nhà trường, nhất là cấp tiểu học và trung học cơ sở. Tổ chức tập huấn, truyền thông, đào tạo nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó các tình huống thiên tai phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
Nguồn lực tài chính: Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính cho phòng, chống thiên tai để chủ động trong xây dựng kế hoạch hàng năm và xử lý khi có tình huống bất thường, nhất là xử lý khẩn cấp sự cố công trình sau thiên tai; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động khí tượng thủy văn và phòng, chống thiên tai; Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, dự phòng ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai; nghiên cứu hoàn thiện các quy định liên quan đến quỹ phòng chống thiên tai và bảo hiểm rủi ro thiên tai, quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để sử dụng linh hoạt, hiệu quả, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ trong quan trắc theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành, ứng phó thiên tai. Tập trung ứng dụng công nghệ viễn thám, tin học, tự động hoá, trực tuyến trong quan trắc, giám sát, quản lý, khai thác, dự báo, truyền cơ sở dữ liệu và vận hành ứng phó theo thời gian thực; ứng dụng vật liệu mới, giải pháp mới trong phòng, chống thiên tai.
Hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các quốc gia trong khu vực. Tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của quốc tế trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Với những nhóm giải pháp nêu trên, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể và yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã theo chức năng, thẩm quyền và nhiệm vụ triển khai thực hiện Kế hoạch này và định kỳ hàng năm sơ kết, báo cáo tình hình về Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30/11 hàng năm. Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, nếu có vướng mắc, bổ sung, các Sở, Ban, ngành, đơn vị, các địa phương chủ động đề xuất gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp và báo báo UBND tỉnh xem xét, quyết định.
H.M