THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Hiện nay, trên địa bàn huyện Cư Jút đã xảy ra ca bệnh mắc liên cầu khuẩn lợn trên người (tại thôn 11, xã Đắk Drông), vì vậy nguy cơ gia tăng, bùng phát trong thời gian tới tại các xã trên địa bàn huyện Cư Jút và các địa phương khác trong tỉnh rất cao.
Ảnh minh họa
Để khống chế, ngăn chặn kịp thời dịch bệnh liên cầu khuẩn lợn trên người phát sinh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2017 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 10/01/201, đồng thời triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
UBND huyện Cư Jút: Chỉ đạo các phòng, ban chức năng; UBND các xã, thị trấn và các đơn vị có liên quan: Thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng hàng ngày tại vùng có dịch bệnh và tổng tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, khu vực buôn bán gia súc, sản phẩm gia súc trên địa bàn huyện để tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang khu vực lân cận; khẩn trương tiến hành khảo sát, tổ chức xây dựng lò mổ gia súc, gia cầm để thực hiện giết mổ tập trung bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tránh lây lan các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người nhất là bệnh liên cầu khuẩn lợn và từ động vật sang động vật.
UBND các huyện, thị xã: Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, Trạm Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận hộ dân, cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời dịch bệnh. Khi phát hiện lợn mắc bệnh phải báo cáo kịp thời về cơ quan Thú y để xác minh, truy xét nguồn gốc và lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức chống dịch kịp thời. Chỉ đạo các phòng, ban chức năng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra tình hình giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Phối hợp với UBND các huyện, thị xã tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan ra diện rộng. Bố trí đủ cán bộ thực hiện kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung; thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch, kiểm soát giết mổ đúng quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Duy trì trực 24/24 giờ tại Trạm, Chốt kiểm dịch động vật tại Cầu 14 (Quốc lộ 14) để kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh. Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã tổ chức xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, để kiểm soát tốt dịch bệnh và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Sở Y tế: Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn trên người; thường xuyên chia sẻ thông tin về diễn biến tình hình các bệnh lây truyền từ động vật sang người theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của liên Bộ: Y tế - Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Sở Thông tin Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh phối hợp với ngành Thú y, Y tế thực hiện việc tuyên truyền, vận động người dân không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sử dụng sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; không vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường; khi phát hiện lợn mắc bệnh phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương và cơ quan Thú y; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân…
Xem chi tiết tại đây
M.L