THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Thủ tướng chủ trì họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019
Ngày đăng
04/09/2019 | 10:53
| View count: 2618
Hôm nay, 4/9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8, tập trung vào thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, nhất là các biện pháp “về đích” khi còn 1/3 chặng đường của năm “bứt phá” 2019”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tai phiên họp
Theo chương trình dự kiến, Chính phủ sẽ xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung gồm: Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2019; Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2019; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Báo cáo kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm 2020-2022; Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giao và kết quả kiểm tra tháng 8 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ...
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, trong bối cảnh thế giới có những diễn biến mới, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc tiếp tục làm gia tăng khó khăn, thách thức đối với kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế-xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2019 của nước ta vẫn giữ được đà tích cực.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tháng 8 tăng nhẹ (0,28%), tính chung cả 8 tháng, CPI bình quân tăng 2,57%, tiếp tục là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Giải ngân vốn FDI đạt khá, khoảng 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Ước 8 tháng có gần 90.500 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký đạt trên 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 31% về số vốn. Số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 7%; doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 21,8%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng ước tăng 9,5%, tuy thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, nhưng vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2016 và 2017.
Các hoạt động dịch vụ, thương mại, sức mua trong nước duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ, đóng góp chủ yếu từ doanh thu bán lẻ hàng hóa. Khách du lịch quốc tế 8 tháng ước đạt 11,3 triệu lượt, tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt gần 170 tỷ USD, tăng 7,3%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tăng 13,9%, lần đầu tiên tỷ trọng vượt ngưỡng 30%, theo đó, tỷ trọng xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm dưới 70%. Xuất siêu tăng cao trở lại, ước 8 tháng xuất siêu 3,4 tỷ USD.
Theo Bộ KH&ĐT, dự kiến cầu nội địa và đầu tư sẽ là hai động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2019. Ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn đóng vai trò dẫn dắt, trong đó các ngành sản xuất ô tô, thép, lọc hóa dầu, điện tạo ra lực đẩy cho tăng trưởng trong quý III.
Bên cạnh các chính sách kích cầu, việc chú trọng các chính sách tác động vào tổng cung như đầu tư vào kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm, quy mô lớn, thúc đẩy giải ngân đầu tư công mạnh mẽ là rất quan trọng để tạo ra động lực mới thúc đẩy tăng trưởng.
Tại phiên họp, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận về những giải pháp cụ thể để huy động mọi nguồn lực, tạo đà cho tăng trưởng cũng như cho ý kiến về những vấn đề khác nổi lên trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử…
Theo chinhphu.vn