THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
Ngày đăng 21/06/2019 | 08:23  | View count: 16533

Sáng 20/6, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2018, triển khai nhiệm vụ thời gian tới. Đồng chủ trì Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường.

Tại điểm cầu Đăk Nông, ông Trương Thanh Tùng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số Sở, ngành tham dự, cùng lãnh đạo UBND cấp huyện tại các điểm cầu các huyện, thị xã.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Đắk Nông

Hội nghị cũng đã được nghe báo cáo công tác PCTT & TKCN năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường trình bày, Bộ trưởng nhấn mạnh công tác PCTT & TKCN đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở và người dân thường xuyên được cung cấp thông tin về dự báo, cảnh báo, hướng dẫn kỹ thuật ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Cơ quan thường trực từ Trung ương đến địa phương thường xuyên tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến thời tiết nguy hiểm trong nước, quốc tế và khu vực để chủ động chỉ đạo sớm, bám sát thực tiễn, đặc biệt đối với 2 loại hình bão và lũ...

Cũng theo báo cáo, thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2018 là rất lớn, không chỉ về tài sản mà còn về con người, hệ thống giao thông bị tàn phá năng nề, cụ thể: năm 2018 có 224 người chết và mất tích (92 người do mưa lũ (chiếm 41%); 82 người do lũ quét, sạt lở đất (chiếm 37%); 50 người do các thiên tai khác (chiếm 22%); 1.967 nhà bị đổ, trôi; 31.335 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp; 261.377 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 884 km đê, kè, kênh mương, bờ bao và 8,4 triệu m3 đất đá đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt trượt… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.

Hội nghị cũng được nghe lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương báo cáo tham luận và đánh giá khó khăn, vướng mắc và ý kiến của các tổ chức quốc tế chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được cả hệ thống chính trị quan tâm, vận dụng linh hoạt "phương châm 4 tại chỗ"; đồng thời ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, dự báo, theo dõi, giám sát công trình, khu vực trọng điểm xung yếu thiên tai bước đầu đã được quan tâm... Thủ tướng nhấn mạnh nước Việt Nam là một trong mười nước bị ảnh hưởng lớn nhất về thiên tai. Vì vậy trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để Ban Chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai hoạt động ngày càng kịp thời hơn, hiệu quả hơn; Thứ hai, rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tránh tình trạng bị động, lúng túng khi tình huống bất lợi xảy ra; Thứ ba, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống với thiên tai cho người dân và cộng đồng thông qua tập huấn, đào tạo, diễn tập; Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai để bảo đảm kịp thời hơn, chính xác hơn. Bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn; Thứ năm, nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng: Đê điều, hồ đập, công trình kết cấu hạ tầng khác; Thứ sáu, nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo của hệ thống cơ quan chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, trong đó có việc đầu tư nâng cấp công nghệ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tham mưu, hỗ trợ ra quyết định phòng chống thiên tai được kịp thời, chính xác, xây dựng trung tâm điều hành phòng chống thiên tai quốc gia; Thứ bảy, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật bảo đảm tính đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng được đội ngũ làm công tác tham mưu phòng chống thiên tai chuyên nghiệp, chủ động; Thứ tám, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời có các chính sách huy động phù hợp các nguồn lực ngoài ngân sách cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trước hết là kinh phí đầu tư cho hệ thống quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai, xử lý khẩn cấp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển; Thứ chín, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai,...