THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Nhiều điểm mới trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Ngày đăng 02/05/2019 | 09:02  | View count: 198734

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng như: Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; bổ sung 01 ngày nghỉ lễ là ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7.

Ảnh minh họa

Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa

Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người lao động mong muốn nâng giới hạn giờ làm thêm để có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, Ban soạn thảo thấy rằng việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định.

Tại dự thảo, Ban soạn thảo đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Và để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho người lao động, dự thảo quy định: Trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động. Chỉ khi được người lao động đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ. Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác…

Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu

Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW và cụ thể hóa nội dung Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Ban cán sự Đảng Chính phủ, để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp với quy mô, cơ cấu, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động Việt Nam, tránh việc phải điều chỉnh đột ngột lên mức quá cao trong tương lai, đảm bảo góp phần ổn định chính trị - xã hội, dự thảo đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu như sau:

Phương án 1:

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2:

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến đề xuất chọn Phương án 1. Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm, tuy nhiên, phương án 01 là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bổ sung 01 ngày nghỉ lễ: Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7

Dự thảo đề xuất bổ sung 01 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, Liệt sỹ (ngày 27 tháng 7 dương lịch). Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng đề xuất này phù hợp với truyền thống, văn hóa và đạo lý dân tộc, nguyện vọng của nhân dân. Việc có một ngày nghỉ để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bày tỏ sự tri ân đối với không chỉ những người có công đã hy sinh xương máu để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc mà còn là một thông điệp để thể hiện sự tri ân đối với những người có công trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng đất nước phồn vinh kể từ nay về sau. Việc chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ sẽ nâng tầm của ngày Thương binh, liệt sỹ, với ý nghĩa tri ân tất cả những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam.

Về thời gian nghỉ Tết Âm lịch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, quy định nghỉ Tết trong Bộ luật Lao động 2012 đã được thực hiện từ 01/5/2013 và đã được đa số nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng kỳ nghỉ Tết Âm lịch của Việt Nam là dài so với một số quốc gia trong khu vực, có thể làm ảnh hưởng gián đoạn kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gia công sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, hiệu quả thực hiện công việc không cao sau khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết dài.

Thực hiện Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 01/2019 của Chính phủ giao "Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất cách thức nghỉ Tết Nguyên đán mới, bảo đảm vui tươi, đầm ấm, thiết thực và hiệu quả", Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án về thời gian nghỉ Tết Âm lịch:

Phương án 1 (giữ nguyên hiện hành): Người lao động được nghỉ 05 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp".

Phương án 2: Người lao động được nghỉ 05 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù" 

Quá trình thảo luận và tham vấn ý kiến chuyên gia, đa số ý kiến thể hiện sự đồng thuận với phương án 1.

Theo chinhphu.vn