THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

Hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội ngày càng đổi mới, nâng cao chất lượng
Ngày đăng 22/04/2019 | 15:42  | View count: 11175

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 62 ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội”, bằng việc đa dạng hình thức tuyên truyền, hướng về cơ sở, hoạt động của các cấp Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội trong tỉnh đã được nâng cao chất lượng hơn trước.

.

Ông Hồ Văn Bốn (bên trái), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đắk Gằn (Đắk Mil) thường xuyên xuống cơ sở, nắm bắt tâm tư, tình hình của hội viên

Phương thức tuyên truyền ngày càng đa dạng

Công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội đã có sự đổi mới về nội dung, hình thức, tác động tích cực trong việc nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Nhiều hình thức tuyên truyền mới, tiến bộ, phù hợp được ứng dụng như phát hành các bản tin nội bộ, tuyên truyền trên website, Facebook, Zalo, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài, qua các hội thi, hội diễn…

Đơn cử như Tỉnh đoàn đã sử dụng hiệu quả mạng Facebook để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đoàn viên, thanh niên. Từ những tấm gương sáng trong lập nghiệp, khởi nghiệp đến xây dựng nông thôn mới, xung kích vì cuộc sống cộng đồng, an sinh xã hội… được đăng tải đều có sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp thanh niên.

Theo chị H'Vi Ê ban, Bí thư Tỉnh đoàn, trước đây, phong trào, hoạt động đoàn đa số còn dàn trải, số lượng nhiều, song chất lượng thực sự chưa cao. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, Tỉnh đoàn đã xác định, mỗi năm, mỗi cấp đoàn sẽ chọn những hoạt động trọng tâm, trọng điểm mang đậm dấu ấn Đoàn, có sức lan tỏa sâu rộng và sát thực với thanh niên để tổ chức nhằm nâng cao chất lượng. Các hoạt động đoàn không tập trung tổ chức ở tỉnh mà đưa về cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, tổ chức đoàn yếu để một phần nhân rộng mô hình, chia sẻ kinh nghiệm, một phần tạo sân chơi, hứng khởi cho đoàn viên khối nông thôn. Sân khấu hóa các hoạt động của thanh niên thông qua các hội thi, hội diễn cũng được chú trọng.

Về phía Mặt trận Tổ quốc không chỉ gửi thư kêu gọi vận động người dân tham gia quyên góp ủng hộ người nghèo, bị ảnh hưởng bởi thiên tai mà nhiều địa phương còn tổ chức đêm văn nghệ, các hoạt động nhằm gây quỹ ủng hộ. Hiện nay, Mặt trận luôn chủ trương hoạt động hướng về cơ sở, khắc phục tình trạng cán bộ ngồi bàn giấy và mọi giao ban công tác của quý đều được luân phiên giữa các địa phương. Những năm gần đây, công tác phối hợp giữa Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội với các cấp chính quyền cũng ngày càng thống nhất, chặt chẽ.

Hàng năm, UBND tỉnh đều làm việc với Mặt trận và các tổ chức đoàn thể để nắm bắt tình hình hoạt động, lắng nghe những khó khăn, kiến nghị, đề xuất cũng như tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động hiệu quả. Ngược lại, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể cũng trở thành kênh quan trọng cung cấp nhiều thông tin, nhất là tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân về các đề án, chính sách để UBND tỉnh xem xét và giải quyết thỏa đáng, thống nhất với người dân trước khi thực hiện, tránh dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện…

 

Qua Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", toàn tỉnh đã huy động được gần 26 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 998 nhà đại đoàn kết, 1.633 căn nhà cho người nghèo; vận động người dân hiến hơn 5.000m2 đất để xây dựng trường học, hội trường thôn; hơn 9 tỷ đồng quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ xây dựng 190 nhà tình nghĩa. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 16/61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 219/789 khu dân cư không có trẻ em bỏ học, 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế phục vụ khám chữa bệnh cho người dân…

 

Nhiều phong trào, cuộc vận động có sức lan tỏa sâu rộng

Với sự thay đổi trong cách thức tuyên truyền, vận động, 10 năm qua, các phong trào, hoạt động do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội phát động luôn thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Nhiều phong trào đã khẳng định được tính bền vững, đi vào chiều sâu, trở thành nhu cầu, tình cảm, trách nhiệm của người dân như: Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Ngày vì người nghèo, Tuổi trẻ Đắk Nông chung tay xây dựng nông thôn mới, Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo, Lao động giỏi, Lao động sáng tạo...

Hưởng ứng cuộc vận động "Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa", Liên đoàn Lao động tỉnh vận động đóng góp trên 126 triệu đồng giúp ngư dân. Tỉnh đoàn quyên góp ủng hộ các gia đình chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 hơn 200 triệu đồng…

Trong Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo", các cấp hội đã vận đông quyên góp được trên 4,8 tỷ đồng, hàng ngàn ngày công giúp đỡ 1.215 hộ nghèo, xóa 12 nhà tạm; xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân đạt trên 34 tỷ đồng cho 1.062 hộ vay; ký kết bán 1.935 tấn phân bón trả chậm cho hội viên…

Đặc biệt, các hoạt động nhằm giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo ngày càng được cụ thể hóa và đổi mới, với phương châm xóa nghèo có địa chỉ, trao "cần câu không trao con cá" để thoát nghèo bền vững. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm dần theo từng năm, năm 2015 là 19,26% thì nay còn 13,51%...

Theo báo Đắk Nông điện tử