THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Các hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thời gian qua đã và đang khai thác khá tốt tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp để phục vụ cho mục tiêu phát triển.
Cửa hàng giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm của THT, HTX của Liên minh HTX tỉnh |
HTX Đắk Tân, trụ sở tại xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), được thành lập từ tháng 6/2017. Đến nay, hoạt động của HTX Đắk Tân đã đi vào nền nếp và khẳng định được uy tín của mình với mô hình sản xuất các loại hạt giống gồm: Bí xanh, khổ qua, dưa leo, cà chua...
Để sản xuất được các loại hạt giống chất lượng cung cấp cho thị trường, HTX Đắk Tân đã liên kết mua cây giống đầu dòng của những đơn vị có uy tín. Hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng HTX cũng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, mua sắm nhiều máy móc hiện đại phục vụ sản xuất như: Máy xới đất, máy gieo hạt và hệ thống tưới nước kết hợp bón phân tự động.
Ngoài sản xuất hạt giống, HTX Đắk Tân còn đầu tư trồng chanh dây. Để đáp ứng đơn đặt hàng của các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, HTX đã liên kết sản xuất các loại cây trồng với các hộ dân trên 70 ha. Theo đó, ngoài cung ứng giống, vật tư, phân bón cho các hộ liên kết, HTX còn hỗ trợ nông dân kỹ thuật sản xuất.
Theo đánh giá của HTX, tùy từng loại cây trồng, mỗi năm sẽ sản xuất được từ 3-4 vụ, trừ chi phí đầu tư, thành viên tham gia liên kết có lãi khoảng 180-200 triệu đồng/ha/vụ. Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chủ động tìm kiếm đối tác làm ăn đã giúp HTX Đắk Tân giành được những kết quả quan trọng, mở ra triển vọng cho các xã viên và nông dân.
Ông Lê Văn Lục, Giám đốc HTX Đắk Tân cho hay, dựa vào lợi thế phát triển nông nghiệp của tỉnh, HTX đã xây dựng chiến lược kinh doanh để phát huy lợi thế và tìm hướng liên kết đầu ra cho sản phẩm, tạo tính ổn định và hiệu quả trong sản xuất. HTX đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường và tìm kiếm đối tác làm ăn, xây dựng thương hiệu. Ngoài ra, HTX còn tích cực hỗ trợ các thành viên và nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất.
Sản phẩm cà phê Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công Bằng ở Thuận An (Đắk Mil) |
Cũng như HTX Đắk Tân, hoạt động của HTX Tia Sáng, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) đã thích nghi với nền kinh tế thị trường. Là đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu chanh dây, HTX Tia Sáng luôn cam kết cung cấp sản phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng. Hiện HTX có 3 sản phẩm xuất khẩu trực tiếp sang Hàn Quốc gồm: Quả chanh dây cấp đông (hơn 500 tấn/năm), dịch nước quả chanh dây (hơn 100 tấn/năm) và dịch nước tách hạt quả chanh dây. Năm 2017, doanh thu của HTX Tia Sáng đạt 18 tỷ đồng, năm 2018 đạt trên 20 tỷ đồng.
Ngoài giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, HTX Tia Sáng còn góp phần làm thay đổi nhận thức của xã viên và bà con nông dân trong vùng về sản xuất chanh dây an toàn theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Kế hoạch của HTX Tia Sáng trong năm 2019 là xuất khẩu chanh dây sang thị trường EU, trước mắt là thị trường Pháp.
Theo bà Phạm Thị Quê, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp TM-DV thì thị trường thế giới giá cả ổn định nhưng đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Để sản phẩm của HTX vào được thị trường khó tính này, từ khâu sản xuất đến đóng gói phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. "HTX đang hướng đến thị trường xuất khẩu chính vì thế hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích đất sản xuất", bà Quê cho biết.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp giúp nhiều HTX phát triển ngày càng hiệu quả |
Toàn tỉnh hiện có 69 HTX sản xuất nông nghiệp đang hoạt động theo luật HTX năm 2012, với tổng số vốn điều lệ gần 70 tỷ đồng. Điểm nổi bật của các HTX nông nghiệp là có khả năng tổ chức, điều hành sản xuất, kinh doanh; công khai, minh bạch trong thu, chi tài chính. Thực tế cho thấy, các HTX hoạt động trong lĩnh vực này đã và đang tích cực tham gia các dịch vụ hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh của các hộ nông dân.
Hiện cũng đã có nhiều HTX tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông sản đặc trưng, nổi trội trên địa bàn tỉnh như: điều, hồ tiêu, cà phê, chanh dây, khoai lang Nhật Bản, đậu phụng sấy giòn... Mặc dù mỗi HTX có chiến lược, hướng đi khác nhau, song đều đúng với định hướng của tỉnh về phát triển nông sản lợi thế, cạnh tranh trên quy mô lớn, có liên doanh, liên kết gắn với chuỗi giá trị.
Ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh trao đổi: Liên minh HTX luôn đồng hành cùng các HTX, không những tư vấn thành lập mới HTX mà còn tư vấn trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2018, Liên minh HTX đã hỗ trợ cho 2 HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm thành công. Ngay tại cửa hàng DCA của Liên minh chúng tôi tổ chức ngày cà phê HTX vào sáng thứ 3 hằng tuần để các HTX gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và trao đổi lẫn nhau. Các HTX có nhiều thông tin trong liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị. Phát triển HTX nông nghiệp là nền tảng quan trọng, là khâu đột phá để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người nông dân theo mục tiêu, chiến lược của tỉnh đề ra. |
Đồng hành cùng các HTX, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện tốt vai trò tổ chức kinh tế - xã hội, có chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các HTX. Ngoài hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX, Liên minh HTX tỉnh tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển HTX như: Hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ thành lập mới HTX, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, tạo đầu mối xây dựng các mô hình liên kết, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Theo Đắk Nông Online