THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN
Không gian Văn hóa thổ cẩm là hoạt động mở đầu cho chương trình Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Đắk Nông. Với nhiều hoạt động phong phú, chương trình đã đem đến cho người dân, du khách trong và ngoài tỉnh những nét văn hóa đặc sắc, mang đậm tính đặc trưng vùng miền của các dân tộc Việt Nam.
Đa dạng sắc màu thổ cẩm
Chương trình thu hút 18 đơn vị đến từ các tỉnh, thành trong cả nước và 3 nước Lào, Campuchia, Indonesia tham dự, với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Triển lãm Không gian Văn hóa thổ cẩm Việt Nam; Triển lãm ảnh chủ đề "Quê hương-con người duyên hải miền Trung-Tây Nguyên"; Triển lãm Công viên địa chất Việt Nam; Không gian thực nghiệm dệt thổ cẩm các dân tộc Việt Nam; Không gian ẩm thực các dân tộc Việt Nam; Không gian phục dựng nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; Biểu diễn nghệ thuật truyền thống các dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh cùng Hoa hậu Việt Nam Ngọc Hân và Hoa hậu Hoàn vũ H'Hen Niê tham quan, tìm hiểu các sản phẩm thổ cẩm |
Với sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, các đơn vị, địa phương đã trang trí, trưng bày, giới thiệu nhiều hình ảnh, sản phẩm thổ cẩm truyền thống, hiện vật văn hóa, những đặc trưng về ẩm thực của một số dân tộc, vùng miền trong cả nước. Anh Đặng Công Hưng, Trưởng đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai cho biết: "Ngay sau khi có kế hoạch về lễ hội, tỉnh Gia Lai đã thành lập đoàn nghệ nhân tham gia lễ hội gồm 36 người; trong đó có nghệ nhân dệt thổ cẩm, nghệ nhân đánh cồng chiêng và dân ca dân vũ. Nói chung, công tác chuẩn bị được triển khai rất chu đáo nhằm đem đến cho người dân tỉnh Đắk Nông cũng như các du khách những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại địa phương".
Cũng theo anh Hưng thì Gia Lai là quê hương của hai dân tộc chính là Jrai và Bahnar. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, hai dân tộc Jrai và Bahnar đã sáng tạo nên một nền văn hóa mang bản sắc độc đáo, nhất là về trang phục. Cũng như các dân tộc khác, trang phục truyền thống của người Jrai và Bahnar được làm bằng chất liệu thổ cẩm do người phụ nữ tự dệt, gồm áo, váy dành cho nữ, khố dành cho nam và một số vật dụng đi kèm như tấm choàng, khăn đội đầu. Đây là loại hình trang phục vừa có nét đặc trưng của các dân tộc Đông Nam Á vừa tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển sớm của y phục các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.
Đồng bào dân tộc thiểu số các địa phương trưng bày, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm thổ cẩm truyền thống, hiện vật văn hóa của dân tộc mình |
Tương tự, đoàn tỉnh Quảng Nam cũng trưng bày và giới thiệu về những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu, với những hoa văn, sắc màu rực rỡ trên nền vải thổ cẩm tạo nên một bức tranh sống động... Nghệ nhân Briu Thị Tép tự hào cho biết: "Ngay từ khi còn nhỏ, phụ nữ Cơ Tu đã được học dệt thổ cẩm. Bằng sự khéo léo và những kinh nghiệm các đời trước để lại, người phụ nữ Cơ Tu trồng bông, đay, dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công, với những đường nét họa tiết hoa văn tinh tế, đặc sắc bằng chì hoặc cườm trắng trên nền vải chàm đen. Điều này cũng tạo nên sự khác biệt rõ nét trên trang phục của đồng bào dân tộc Cơ Tu so với các dân tộc khác".
Tại mỗi gian hàng trưng bày, du khách lại được chiêm ngưỡng những màu sắc, hoa văn khác nhau trên những tấm thổ cẩm, trang phục, túi xách của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam và các nước bạn. Mỗi màu sắc, hoa văn trang trí đều tượng trưng cho quan niệm về nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng, tư duy thẩm mỹ, làm nên những nét văn hóa đặc trưng truyền thống của từng dân tộc. Tham quan và trao đổi tại Không gian Văn hóa thổ cẩm, Hoa hậu Hoàn vũ H'Hen Niê cũng chia sẻ: "Là một người con Ê đê, mình rất tự hào mỗi khi khoác lên mình trang phục của dân tộc. Mình rất vui vì tại Không gian Văn hóa thổ cẩm, những sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Ê đê nói riêng và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung được giới thiệu và tôn vinh".
Các nghệ nhân của các dân tộc phục dựng lại nghi thức, lễ hội truyền thống |
Quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương
Không chỉ giới thiệu về văn hóa thổ cẩm, tại Không gian Văn hóa thổ cẩm, các nghệ nhân của các dân tộc còn phục dựng lại nhiều nghi thức, lễ hội truyền thống với các hình thức diễn tấu cồng chiêng, múa dân ca, sinh hoạt cộng đồng…Nghệ nhân Y Khar của tỉnh Kon Tum chia sẻ: "Hôm nay, đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum đem đến lễ hội hai tiết mục gồm dân ca giao duyên và đón khách của đồng bào dân tộc Xơđăng. Các điệu múa không chỉ thể hiện sự gần gũi, hiếu khách mà còn là thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng của đồng bào Xơđăng".
Tương tự, nghệ nhân Lý Thương, dân tộc Khmer ở tỉnh Cà Mau cũng tâm sự: "Người Khmer có 3 lễ hội lớn trong năm là Chol Chnam Thmay, Sen Đôn Ta và Dâng Y Kathinat. Tại lễ hội lần này, chúng tôi trình diễn Lễ hội Sen Đôn Ta để giới thiệu về văn hóa và các phong tục, tập quán, cách thức sinh hoạt, thờ phụng của người Khmer".
Một số phong tục, tập quán, cách thức sinh hoạt cũng như văn hóa thờ phụng của người Khmer được phục dựng tại Không gian Văn hóa thổ cẩm |
Theo các nghệ nhân tham gia lễ hội, hoạt động phục dựng nghi lễ truyền thống và biểu diễn nghệ thuật truyền thống đã tạo điều kiện cho họ giao lưu văn hóa, trao đổi kinh nghiệm nhằm thắt chặt tinh thần đoàn kết, gắn bó. Đây cũng là dịp để các tỉnh, thành giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương thông qua các tiết mục múa, hát, diễn tấu đặc trưng của dân tộc mình.
Theo Ban tổ chức Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, Không gian Văn hóa thổ cẩm là một trong những hoạt động chính của lễ hội nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc. Chương trình cũng là môi trường giao lưu, gặp gỡ tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt hơn nữa khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế và nhằm quảng bá, khắc họa đậm nét dấu ấn văn hóa du lịch trong lòng du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, chương trình cũng góp phần giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh Đắk Nông với các đoàn, bạn bè và du khách gần xa.
Theo Đắk Nông Online